Categories: Quan điểm

Bí quyết nhận diện thương hiệu mới của Mai Kiều Liên: Phản ứng khi bị chê

Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, giải thích rằng việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu là một bước nhỏ trong chiến lược phát triển 5 năm tới. Để thực hiện điều này, Vinamilk đã hợp tác với 55 chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới và đạt được kết quả sau một năm chuẩn bị cẩn trọng.

Hôm 6/7, CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu mới sau gần 5 thập kỷ. Logo được chuyển từ dạng phù hiệu (emblem) sang biểu tượng chữ (wordmark), cùng dòng chữ “Est 1976” bên dưới chữ “Vinamilk” màu trắng trên nền xanh dương.

Đây là kết quả sau một năm chuẩn bị kỹ càng và hợp tác chặt chẽ giữa Vinamilk với đội ngũ hùng hậu gồm 55 chuyên gia về thương hiệu, sáng tạo hàng đầu thế giới. Những chuyên gia này đứng sau thành công của nhiều thương hiệu lớn như Apple, Google, Netflix, Spotify, Starbucks…

Ngay sau khi xuất hiện, bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk đã tạo ra những cuộc tranh luận. Một số người đánh giá thiết kế này đơn giản và nhàm chán, không kế thừa gì từ bộ nhận diện lâu đời trước đây, có nguy cơ gây rủi ro khi người tiêu dùng không thích nghi được với hình ảnh hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, bộ nhận diện này lại tạo nên trào lưu được đông đảo người dùng mạng xã hội hưởng ứng. Chỉ với vài thao tác đơn giản, mọi người đều có thể tự sáng tạo logo của riêng mình dựa vào font chữ và màu nền có sẵn do Vinamilk cung cấp. Kết quả là những chiếc logo nền xanh dương chữ trắng đã phủ kín mạng xã hội.

Bà Mai Kiều Liên cùng ban lãnh đạo Vinamilk chia sẻ về bộ nhận diện thương hiệu mới.

Tổng Giám đốc Vinamilk nói gì về việc thay đổi nhận diện thương hiệu?

“Chúng tôi nghĩ đối với người tiêu dùng, quan trọng nhất vẫn là chất lượng, giá cả và dịch vụ. Bao bì có thể xấu với người này, nhưng đẹp với người kia”, bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk – chia sẻ với VTV về bộ nhận diện thương hiệu mới.

“Nữ tướng” ngành sữa của Việt Nam nhấn mạnh rằng trong 47 năm qua, Vinamilk đã thay đổi rất nhiều lần và lần này không phải ngoại lệ. Định hướng của công ty khi đổi bao bì là kết hợp giữa truyền thống của Việt Nam và sự hiện đại của thế giới, có sự giúp sức của đội ngũ chuyên gia toàn cầu từng thành công với nhiều thương hiệu lớn.

“Chúng tôi nghĩ đối với người tiêu dùng, quan trọng nhất vẫn là chất lượng, giá cả và dịch vụ. Bao bì có thể xấu với người này, nhưng đẹp với người kia”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ.

Theo bà Mai Kiều Liên, Vinamilk muốn những màu sắc trong bộ nhận diện mới có thể giúp các sản phẩm của họ tạo nên sự khác biệt trong mắt người tiêu dùng khi trưng bày trong các cửa hàng, tiệm tạp hóa.

“Màu xanh và trắng đã tồn tại hàng chục năm nay, phù hợp để trưng bày trong những thời điểm nhất định. Còn xu hướng bây giờ của mọi người, bao gồm cả thời trang cũng là đa sắc, không phải là ton-sur-ton (cách phối dựa trên những gam màu tương đồng) nữa. Do đó, phải suy nghĩ tới tâm lý người tiêu dùng hiện nay và tương lai như thế nào. Sự thay đổi cũng phải có khoa học. Không phải chúng tôi nghĩ nhiều màu là tốt, mà là theo xu hướng của thế giới”, Tổng Giám đốc Vinamilk giải thích.

“Sẽ có người chê, nhưng đó là chuyện rất bình thường. Bản thân mình là người đứng đầu công ty thấy hứng khởi, có năng lượng, thì tôi nghĩ cán bộ công nhân viên của chúng tôi cũng thế”, bà chia sẻ thêm.

Cũng theo bà Mai Kiều Liên, việc thay đổi định vị thương hiệu chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong chiến lược phát triển của Vinamilk 5 năm tới, bao gồm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Bà cho hay làm việc gì cũng tiềm ẩn rủi ro, nhưng vấn đề nằm ở cách phòng ngừa rủi ro.

“Vinamilk từ năm 1 tuổi cho tới bây giờ 47 tuổi vẫn phải rất năng động, hiện đại hóa. Tôi nghĩ có tới 100 năm vẫn thế thôi, nghĩa là vẫn phải rất nhanh, luôn luôn có ý thức và hành động để khắc phục, vượt mọi thách thức mới tồn tại được”, bà Liên khẳng định.

Minh Anh
Nguồn CafeBiz

https://www.brandsvietnam.com/23779-Nu-tuong-Vinamilk-Mai-Kieu-Lien-noi-ve-nhan-dien-thuong-hieu-moi-Se-co-nguoi-che-nhung-do-la-chuyen-rat-binh-thuong

Share