Categories: Tiêu điểm

Cuộc đấu tranh giữa các huyền thoại thời trang: Fashion Icon #8

Trong cuộc đấu tranh giữa các huyền thoại thời trang, mối thâm thù giữa các nhân vật nổi tiếng như Christian Dior, Coco Chanel, Yves Saint Laurent, Karl Lagerfeld đã tạo nên những drama đỉnh điểm không thể bỏ qua. Hãy khám phá sự “gay gắt” giữa những biểu tượng thời trang này ở tập 8 của series Fashion Icon!

Ở tập 8 của series Fashion Icon, chúng ta sẽ không tìm hiểu về cuộc đời của một gương mặt huyền thoại nào mà hãy cùng “hóng hớt” về mối thâm thù giữa các huyền thoại thời trang nhé!

Yves Saint Laurent với Karl Lagerfeld từ tri kỷ thành tình địch

Vào năm 1954, tại cuộc thi thiết kế do International Wool Secretariat tổ chức, Yves Saint Laurent và Karl Lagerfeld đã gặp nhau lần đầu tiên. Hai người họ nhanh chóng trở nên thân thiết và chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ cuộc sống xa hoa cho đến mong muốn thiết kế những bộ trang phục hoàn hảo cho nữ giới.

Tiếc thay, tình bạn tưởng chừng như đẹp đẽ và trong sáng này không tồn tại được lâu khi làng mốt tồn tại quá nhiều sự ganh đua, giữa Laurent và Lagerfeld cũng không ngoại lệ. Khi so sánh quá trình phát triển của hai người, không khó để thấy rằng Laurent luôn đạt được thành công sớm hơn so với Lagerfeld. Khi Laurent được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo tại Dior ở độ tuổi 21 thì Lagerfeld vẫn còn chật vật với vị trí trợ lý cho Pierre Balmain. Lúc này, hai người vẫn duy trì mối quan hệ bạn bè, dù có nhiều “sóng ngầm” tồn tại giữa cả hai.

Vì nhiều lý do liên quan đến công việc lẫn tình yêu, Yves Saint Laurent với Karl Lagerfeld dần dần trở thành tình địch.
Nguồn: AFP

Mối quan hệ giữa hai nhà thiết kế tài năng này càng tồi tệ hơn khi cả hai vướng vào một mối tình tay ba phức tạp. Cụ thể hơn, vào cuối những năm 1970, Laurent và Lagerfeld tình cờ gặp gỡ Jacques de Bascher – một chàng trai quyến rũ, đa tình xuất thân từ tầng lớp quý tộc Pháp và sinh ra tại Sài Gòn. Laurent và Lagerfeld đều nhanh chóng rơi vào lưới tình với Bascher. Điều trái ngang nhất là Bascher đã “một chân đạp hai thuyền” với Laurent và Lagerfeld. Đó cũng là cột mốc chính thức đánh dấu sự rạn nứt của hai nhà thiết kế huyền thoại này.

Những thông tin trên được Lagerfeld tiết lộ vào năm 2006, khi hợp tác với phóng viên Marie Ottavi để hoàn thành quyển sách “Jacques de Bascher, dandy de l’ombre”. Đáng chú ý, Lagerfeld vẫn lựa chọn ở bên cạnh Bascher đến 19 năm sau, khi Bascher qua đời vì AIDS.

Đến những năm 1980, Lagerfeld chính thức đảm nhận vai trò Giám đốc Sáng tạo tại Chanel và đã đạt được nhiều thành công. Ngay khi đảm nhận vị trí mới tại Chanel, Lagerfeld đã tham gia một cuộc phỏng vấn quan trọng và nói rằng có nhiều thứ ở Laurent khiến ông không thích bởi vì ông hiểu khá rõ về con người của Laurent. Lagerfeld bổ sung, Laurent thường hay nói rằng mình không có tuổi trẻ, song những gì mà Laurent thật sự muốn lúc bấy giờ chỉ là danh tiếng và tiền tài.

Jacques de Bascher, Karl Lagerfeld và Helmut Berger vào năm 1981.
Nguồn: SIPA

Những năm sau đó, trong khi Laurent chật vật với bệnh tật và chứng trầm cảm, còn Lagerfeld vẫn miệt mài làm việc và cống hiến cho ngành thời trang, thậm chí có năm còn ra mắt đến 8 bộ sưu tập thời trang.

Đến năm 2008, khi Laurent ra đi sau tháng ngày đấu tranh với bệnh tật, Lagerfeld không hề xuất hiện tại tang lễ xa hoa và có sự tham dự của vô số người nổi tiếng. Nhiều người đoán rằng có lẽ Lagerfeld đã dành thời gian để ở một mình và hồi tưởng về một người bạn, cũng là đối thủ cạnh tranh trong suốt sự nghiệp của ông.

Những màn “đá đểu” Dior đến từ Chanel

Trong nhiều năm qua, mối quan hệ phức tạp giữa Christian Dior và Coco Chanel luôn là chủ đề mà cộng đồng yêu thích thời trang cảm thấy tò mò. Gần đây nhất, Apple TV đã phát hành tựa phim truyền hình “The New Look” khai thác về cuộc đời và những khúc mắc xoay quanh mối quan hệ giữa hai nhà thiết kế huyền thoại này.

Theo đó, vào giai đoạn những năm 1950, Coco Chanel và Christian Dior là đối thủ của nhau trong lĩnh vực thiết kế trang phục haute couture. Mâu thuẫn giữa hai tên tuổi huyền thoại này bắt đầu từ “The New Look” – bộ sưu tập thời trang đầu tiên của Dior ra mắt vào năm 1947 khi ông bắt đầu thành lập nhà mốt của riêng ông.

Khi đó, Chanel đã lên tiếng chỉ trích phong cách thiết kế của Dior. Cụ thể, bà nói rằng những người phụ nữ mặc trang phục của Dior trông rất lố bịch, bởi vì đó là những bộ quần áo được thiết kế bởi một người đàn ông không phải là phụ nữ, chưa bao giờ hẹn hò với một cô gái nào và có khát khao trở thành phụ nữ. (Nguyên văn: “Look how ridiculous these women are, wearing clothes by a man who doesn’t know women, never had one, and dreams of being one”).

Không chỉ lần đó, Chanel cũng từng nói rằng Dior không hề thiết kế trang phục cho phụ nữ mà chỉ đang “bọc họ trong những tấm vải”. Nặng nề hơn thế, bà còn nói rằng người phụ nữ nào mặc quần áo của Dior đều trông như “một chiếc ghế bành cũ kỹ”. Chưa hết, bà cũng từng lên tiếng cáo buộc phong cách thiết kế của Dior đã góp phần củng cố lý tưởng về sự nữ tính của thế kỷ 19, tức là nữ giới phải mặc trang phục để được đàn ông ngắm nhìn và ngưỡng mộ.

Chanel từng nhiều lên tiếng mỉa mai phong cách thiết kế của Dior.
Nguồn: Getty Images

Với hàng loạt chỉ trích đến từ Chanel, Dior đã lên tiếng thừa nhận sự khác biệt trong phong cách thiết kế trang phục cho nữ giới của ông. Theo đó, ông nói rằng công việc của ông giống như là thiết kế một công trình kiến trúc tạm thời, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ.

Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, có không ít phụ nữ đồng tình với quan điểm của Chanel. Khi Dior đặt chân đến nước Mỹ vào mùa thu năm 1947, ông đã phải đối mặt với một đợt biểu tình dữ dội với những tấm bảng với các dòng chữ xúc phạm và muốn đuổi ông về Pháp. Khi ấy, sự giận dữ của những người ủng hộ quan điểm của Chanel đã khiến Time Magazine thực hiện cuộc khảo sát mang tên “Bạn ủng hộ hay ghét bỏ ‘The New Look’?”.

Dưới góc nhìn của những chuyên gia trong giới thời trang, không khó hiểu khi mà Chanel kịch liệt phản đối phong cách thiết kế của Dior. Lý do rất đơn giản: Những thiết kế đến từ Dior hoàn toàn trái ngược với lý tưởng của Chanel. Không khó để thấy rằng những trang phục đến từ Chanel luôn đậm chất thanh lịch, tinh tế, đồng thời bổ sung một vài chi tiết nam tính nhằm truyền bá thông điệp trao quyền cho nữ giới. Cụ thể hơn, những bộ trang phục làm nên tên tuổi của bà trong giới thời trang đều bị loại bỏ đi áo nịt ngực (corset) và khung váy phồng (crinoline), bổ sung thêm một số chi tiết nam tính và mang phong cách thể thao.

Những thiết kế đến từ Dior hoàn toàn trái ngược với lý tưởng của Chanel.

Trên thực tế, không chỉ Dior, một số nhà thiết kế nam khác như Cristóbal Balenciaga cũng từng bị Chanel chỉ trích. Bà nhận định rằng cùng với Dior, Balenciaga cũng có lỗi trong việc tạo ra những bộ trang phục không tôn vinh hình thể phụ nữ. Bà còn gọi những thiết kế của bộ đôi này rất “phi logic”.

Thế nhưng, bất chấp những lời châm chọc của Chanel về vấn đề không thấu hiểu phụ nữ, giống như nhiều nhà thiết kế đồng tính nam khác, Dior chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những người phụ nữ xuất hiện trong cuộc đời ông, đồng thời có rất nhiều nữ giới yêu thích trang phục của Dior.

Tom Ford “cạch mặt” Yves Saint Laurent khi Gucci mua lại YSL

Bên cạnh người bạn “từng thân” Karl Lagerfeld, Yves Saint Laurent còn có mâu thuẫn khá lớn với một nhà thiết kế huyền thoại khác là Tom Ford.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1999, khi Gucci thâu tóm YSL, Tom Ford đang đảm nhận vai trò Creative & Communications Director. Vào ban đầu, mối quan hệ của Ford và Laurent tương đối thân thiện. Ford cho biết, Laurent đã cảm thấy thích thú với kế hoạch mua lại YSL của Gucci, cũng như dành nhiều lời khen đối với các thiết kế của Ford, thậm chí họ đã từng ăn tối cùng nhau.

Tom Ford lần đầu chia sẻ về mối quan hệ với Yves Saint Laurent trên CNN vào năm 2011.
Nguồn: CNN

Tuy nhiên, Laurent nhanh chóng thay đổi thái độ khi phát sinh những bất đồng trong phong cách thiết kế với Ford. Mãi đến năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Ford mới tiết lộ về mối quan hệ căng thẳng của họ lúc bấy giờ. Cụ thể hơn, trong khi Laurent muốn xây dựng hình tượng nữ giới Pháp kín đáo, quyền lực còn Ford thì lại thiết kế những bộ cánh quyến rũ và gợi cảm. Điều đó khiến Laurent bực bội đến mức công khai “khịa” Ford trước báo giới rằng “gã nghèo hèn đó đã cố gắng hết sức rồi”. Không chỉ thế, Laurent còn viết thư tay gửi cho Ford với nội dung rằng chỉ với 13 phút trên sàn diễn, Ford đã huỷ hoại hơn 40 năm di sản mà ông đã gầy dựng.

Dù có ra sao, họ cũng là những người định hình phong cách thời trang của nhân loại.

Không lâu sau đó, Ford đã quyết định rời đi do áp lực phải thiết kế cho cả YSL và Gucci, đồng nghĩa với việc phải liên tục di chuyển giữa Milan và Paris, cộng thêm mối quan hệ cộng tác căng thẳng với Laurent.

Những năm sau đó, Ford không còn hoạt động tích cực trong lĩnh vực thời trang mà chuyển sang mảng điện ảnh. Một số dự án nổi bật của Ford có thể kể đến như “A Single Man” (2009) và “Nocturnal Animals” (2016)…

Qua đó, có thể thấy rằng giữa các huyền thoại thời trang cũng xảy ra rất nhiều thị phi và sóng gió. Dù giữa họ có nhiều quan điểm khác biệt về phong cách thiết kế hoặc các vấn đề khác, bốn cái tên vẫn là những nhà thiết kế huyền thoại đã định hình phong cách cá nhân cho hàng triệu cô gái, cũng như đã thay đổi lĩnh vực thời trang cho cả nhân loại.

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp

https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/339910-Fashion-Icon-8-Can-nguyen-nhung-moi-tham-thu-giua-cac-huyen-thoai-thoi-trang

Share