ESG Reporting: An Essential Component for Financial Institutions – Vietnam’s Banks in 2023. Báo cáo về “Bước tiến ban đầu hướng đến bền vững ‘Cam kết ESG trong khối ngành ngân hàng'”. Giải pháp quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng Việt Nam vào đầu năm 2024.
Vì thế trong số tiếp theo của series Rethink CSR, Brands Vietnam cùng ông Nguyễn Văn Thăng Long – Giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam, bàn về báo cáo ESG cho khối ngành tài chính – ngân hàng ở Việt Nam này.
* Tại sao bộ tiêu chuẩn ESG lại tương thích với khối ngành ngân hàng của Việt Nam? Và vì sao các ngân hàng cần bắt tay xây dựng chiến lược ESG ngay từ hôm nay, thưa anh?
Chúng ta đã biết đến ESG như là một bộ tiêu chuẩn trong quá trình vận hành doanh nghiệp nói chung, nhưng thường chỉ thấy ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ, ngành FMCG, sản xuất.
Với ngành ngân hàng, việc xây dựng ESG cũng không phải là điều hoàn toàn mới lạ, các tiêu chí về phát triển bền vững, quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội đã được nhìn thấy đâu đó trong các tiêu chuẩn quốc tế thường gặp hay các quy tắc ứng xử cho doanh nghiệp về quyền con người (UNGP); Tiêu chuẩn hoạt động Môi trường và Xã hội của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); Hướng dẫn chung Môi trường, Sức khỏe, và An toàn (EHS) của Ngân hàng Thế giới (World Bank); Bộ Nguyên tắc Xích đạo (EP). Đặc biệt, ngành ngân hàng cũng đã có bộ nguyên tắc Liên hợp Quốc về đầu tư có trách nhiệm (UN PRI – 2006); Nguyên tắc hoạt động của Ngân hàng có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc (UN PRB – 2019), và 18 nguyên tắc quản lý và giám sát hiệu quả các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu (Uỷ ban Basel về Giám sát Ngân hàng – 2022).
Việc nền kinh tế và xã hội có phát triển xanh, sạch, ổn định xã hội hay không cũng tuỳ thuộc vào dòng tiền được đầu tư, cho vay thế nào.
Tuy nhiên, các tiêu chí trên không quá quen thuộc đối với công chúng. Với sự quan tâm của công chúng tới các hoạt động phát triển bền vững, tiêu chí ESG trở nên phổ biến trong việc đánh giá các ngành nghề trong nền kinh tế, thì ngành tài chính – ngân hàng cũng dần tiến tới việc xây dựng và công bố việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững theo bộ tiêu chí ESG.
Quan trọng hơn, phần lớn nguồn vốn thực hiện các dự án kinh doanh của doanh nghiệp được sử dụng vốn vay ngân hàng thương mại (NHTM). Với chức năng cực kỳ quan trọng là cung cấp vốn cho nền kinh tế và các NHTM có thể điều tiết lãi suất tiêu dùng, cho vay cho các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Việc nền kinh tế và xã hội có phát triển xanh, sạch, ổn định xã hội hay không cũng tuỳ thuộc vào dòng tiền được đầu tư, cho vay thế nào.
Do đó, các NHTM cần phải đóng góp cho mục tiêu bền vững và không gây tác động tiêu cực đến môi trường xã hội bằng cách thực hiện kinh doanh có trách nhiệm trong hoạt động cho vay và đầu tư để điều tiết hoạt động cấp vốn tới các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao, các doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị thân thiện môi trường, hay các doanh nghiệp có mô hình quản lý nhân văn, phục vụ xã hội tốt. Điều này sẽ góp phần ảnh hưởng tích cực đến nhận thức đầu tư, hành vi kinh doanh của doanh nghiệp trong các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị.
* Vậy ngoài trách nhiệm phải có khi áp dụng ESG, thì NHTM còn nhận được những lợi ích như thế nào trong việc xây dựng mối quan hệ với các bên có liên quan như nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng? Liệu điều này có góp phần giúp ích cho việc tăng trưởng của NHTM hay không?
Các bên liên quan như nhà đầu tư của ngân hàng, người lao động, cộng đồng, và khách hàng cũng ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững. Các nhà đầu tư cũng dần dần nhận thức được việc áp dụng mô hình phát triển bền vững thông qua hoạt động ESG bên trong NHTM, hay thông qua việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có mô hình phát triển bền vững. Về lâu về dài, việc thực hiện ESG sẽ mang lại các giá trị vô hình và hữu hình cho NHTM. Các hoạt động cung cấp vốn đó sẽ mang lại giá trị nhân văn cao cho các NHTM, gián tiếp làm tăng hình ảnh thiện cảm của NHTM, ổn định và tăng trưởng vốn tín dụng tốt, qua đó làm tăng giá cổ phiếu và mang cổ tức tốt hơn cho cổ đông.
Việc này đồng thời cũng làm cho người lao động cảm thấy tự hào và thoải mái khi làm việc khi biết mình cũng đang đóng góp vào việc phát triển bền vững của kinh tế xã hội của đất nước, địa phương mà mình sinh sống và làm việc thông qua việc cung cấp vốn hiệu quả, có đạo đức, trách nhiệm cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, với hình ảnh NHTM áp dụng EGS thành công, việc tuyển dụng cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn, hay việc mở rộng kinh doanh cũng dễ dàng hơn do cộng đồng cũng có thiện cảm hơn với các giá trị mà NHTM vận hành trực tiếp hay gián tiếp mang lại cho xã hội, con người, môi trường, và nền kinh tế.
* Được biết đây là năm thứ hai Sáng kiến Tài chính Công bằng Việt Nam (FFV) thực hiện đánh giá ESG đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, vậy theo anh có những điểm gì cần lưu ý trong các báo cáo này?
Thứ nhất, việc các NHTM ở Việt Nam bắt đầu tham gia vào việc công bố các cam kết ESG cho thấy sự chuyển biến đáng kể về chiến lược công bố thông tin về phát triển bền vững. Trước đây, ngành tài chính – ngân hàng ở Việt Nam thường không mặn mà trong việc áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững, hay chủ yếu là thông tin rất chung chung về các hoạt động tài trợ sự kiện, hoạt động phong trào từ thiện, môi trường. Chủ yếu hoạt động công bố (nếu có) liên quan tới các tiêu chí truyền thống của ngành ngân hàng như nguyên tắc quản lý và giám sát hiệu quả các rủi ro tài chính, quản lý ngân hàng có trách nhiệm. Tuy nhiên khi đứng trước xu thế cạnh tranh với các NHTM nước ngoài (đa phần đã có các cam kết công bố ESG) trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế, các NHTM trong nước buộc phải thể hiện sự cởi mở và đổi mới trong việc bước đầu công khai cam kết thực hiện ESG.
Thứ hai, mặc dù điểm công bố ESG cao nhất thuộc về NHTM cổ phần tư nhân (như VPBank, HD Bank), các NHTM có vốn Nhà nước (như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) hiện vẫn đang có điểm công bố ESG cao và dẫn dắt ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết chính sách ESG với các điểm số tăng mạnh trong 2 năm qua (2020 vs. 2022). Điều đó cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều trong các NHTM có vốn nhà nước trong việc cải thiện các cam kết ESG và có minh bạch trong việc công bố rộng rãi việc thực hiện các tiêu chí ESG.
Thứ ba, phân tích chi tiết các tiêu chí Quản trị (G) (Bảo vệ khách hàng, Phòng chống tham nhũng, Minh bạch và trách nhiệm giải trình, Thuế), Xã hội (S) (Tài chính toàn diện, Bình đẳng giới, Quyền con người, Quyền lao động, Không đầu tư vào vũ khí), và Môi trường (E) (Biến đổi khí hậu, Sản xuất điện, Thiên Nhiên) cho thấy sự thiếu cân bằng trong việc phân bố thực hiện các tiêu chí ESG. Yếu tố Quản trị (G) được các NHTM chú trọng thực hiện nhiều hơn và từ đó được công bố rõ ràng, có điểm số cao hơn hẵn so với các tiêu chí về Xã hội và Môi trường hơn. Có thể do đặc thù của ngành tài chính – ngân hàng tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố về tài chính, đảm bảo đóng góp thuế vào ngân sách, bảo mật thông tin, bảo vệ người tiêu dùng, có quy định chặt trong việc chống tham nhũng hay rửa tiền. Các thông số này nhận được sự quan tâm cụ thể và các ngân hàng buộc phải thực hiện hay giải trình khi có yêu cầu.
Do đó, các chỉ số này được thống kê đầy đủ và có thể dễ dàng được công bố. Điểm số thấp cho các tiêu chí còn lại về xã hội và môi trường cho thấy các NHTM cần cải thiện hơn các tiêu chí này trong tương lai. Tuy nhiên, việc điểm số thấp không có nghĩa là các NHTM bỏ qua hay không thực hiện, mà có thể do họ chưa có các thống kê đầy đủ các cam kết về xã hội và môi trường theo đúng các tiêu chí của ESG, vì cá nhân tôi thấy các NHTM cũng đang có rất nhiều hoạt động nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp liên quan đến các cam kết này.
Thứ tư, báo cáo này chỉ giới hạn ở 11 NHTM, sự thiếu vắng của nhiều NHTM trong báo cáo lần này cũng là 1 hạn chế khi ta chưa thấy rõ được liệu việc thực hiện phát triển bền vững theo tiêu chí ESG có đồng nhất ở toàn bộ các NHTM tại Việt Nam. Hơn nữa, các cam kết ESG trong báo cáo (nếu có) chủ yếu được ghi nhận vào các hoạt động có liên quan tới vận hành bộ máy NHTM (internal operation) hay các hoạt động cho vay, tài trợ, đầu tư của các NHTM (financing/investment policies).
Chúng ta chưa thấy các tiêu chí đặt ra về trách nhiệm trong việc xét hồ sơ vay vốn trong các ngành nghề cần hỗ trợ, tài trợ (grants, loans, investment capitals), hay doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về phát triền bền vững. Do đó cũng chưa rõ là các NHTM có thực hiện các chính sách này hay không. Tuy nhiên với việc bắt đầu quan tâm tới ESG trong 2 báo cáo này, các NHTM cho thấy sự đổi mới và chúng ta hi vọng là các chỉ số sẽ được cải thiện với việc công bố thông tin sẽ đa dạng hơn. Từ đó giúp ta có được đánh giá khách quan và so sánh về việc thực hiện cam kết ESG của các NHTM Việt Nam so với thế giới và các nước trong khu vực.
* Với góc nhìn của marketing dịch vụ tới khách hàng, chỉ số ESG có ảnh hưởng như thế nào đối với việc thu hút và giữ chân khách hàng?
Việc khách hàng quan tâm đến các thực hành kinh doanh có trách nhiệm là xu thế ngày càng gia tăng trên thế giới, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Với công ty hoạt động dịch vụ và tiêu dùng nhanh FMCG, khách hàng đã quá quen thuộc với việc các thương hiệu áp dụng ESG như thế nào để góp phần ‘phát triển bền vững’.
Là khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, người dân có thể sẽ không thấy hài lòng khi ngân hàng không thực hành có trách nhiệm phù hợp với mong muốn của họ.
Nguồn: Suwinai Sukanant’s Images
Trong ngành ngân hàng, người tiêu dùng Việt Nam trước đây thường chỉ quan tâm đến lãi suất tiền gửi ở NHTM, ít quan tâm đến việc tiền của mình gửi ở NHTM sẽ được sử dụng như thế nào, mục đích gì, dự án có tác động đến xã hội, môi trường, kinh tế ra sao. Một phần cũng bởi các thông tin này chưa được cung cấp hay chưa có báo cáo cụ thể. Do đó, việc có các báo cáo cam kết ESG sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt Nam dần chú ý tới việc lựa chọn NHTM “phát triển bền vững” hơn.
Các chỉ số ESG sẽ giúp khách hàng đánh giá được rõ hơn về hiệu quả và thực chất của việc NHTM hướng tới phát triển bền vững. Khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng có thể sẽ cảm thấy không thấy hài lòng khi ngân hàng không có những thực hành có trách nhiệm phù hợp với mong muốn của họ hoặc gặp những rủi ro nếu như ngân hàng không đảm bảo một số các nội dung về tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới, minh bạch và giải trình, bảo vệ quyền lợi khách hàng, bảo vệ dữ liệu cá nhân… Đây chính là một số các chủ đề trong các chỉ số ESG.
Ngoài ra, khách hàng mở tài khoản hay gửi tiền ở ngân hàng cũng là nguồn cung cấp vốn cho ngân hàng. Do đó khách hàng cũng cần quan tâm đến việc ngân hàng sử dụng tiền của mình cho mục đích gì và những rủi ro trong việc đầu tư của ngân hàng. Vì vậy, việc quan tâm đến các chỉ số ESG sẽ giúp khách hàng đánh giá được tốt hơn về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của ngân hàng. Đồng thời với yếu tố cạnh tranh tăng trưởng tín dụng dựa trên lãi suất dần trở nên bão hoà, việc tạo sự khác biệt giữa các NHTM để cạnh tranh ngày càng khó khăn. Do đó, các ngân hàng cũng nên tích cực trong việc áp dụng ESG để tạo sự tin tưởng cho cá nhân gửi tiền, sử dụng dịch vụ ngân hàng và cả khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay và gửi tiền.
* Vậy đối với việc truyền thông marketing, làm sao để đưa nỗ lực đóng góp vào ESG của doanh nghiệp NHTM đến gần hơn với khách hàng, đối tác, các bên liên quan và chinh phục lòng tin của họ mà không quá phản cảm kiểu thương mại quảng cáo quá đà?
Với việc thực hiện các tiêu chí ESG thành công, các NHTM cũng muốn có chiến lực marketing nhằm truyền tải hình ảnh tốt đẹp của mình ra bên ngoài. Tuy nhiên, để các bên liên quan tin tưởng vào chính sách ESG của doanh nghiệp, truyền thông nội bộ là bước đầu tiên và quan trọng nhất.
Việc huấn luyện và truyền thông trong doanh nghiệp, hoạt động thiện nguyện, đóng góp, các công bố thành quả đạt được theo từng tháng, quý, năm và quy định khen thưởng với các KPIs cụ thể về ESG phải được tiến hành thường xuyên. Điều này giúp cho các cán bộ công nhân viên NHTM nhận thấy mức độ nghiêm túc và chiến lược nhất quán của ban lãnh đạo trong việc thực hiện mục tiêu cam kết chính sách ESG, và từ đó họ sẽ tin tưởng và quảng bá các chính sách ESG tới các bên có liên quan như đối tác, khách hàng, truyền thông mạng xã hội, và cộng đồng địa phương và trong nước.
Để các bên liên quan tin tưởng vào chính sách ESG của doanh nghiệp, truyền thông nội bộ là bước đầu tiên và quan trọng nhất.
Song song đó, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các chỉ số ESG thông qua các báo cáo thường niên về phát triển bền vững, đi kèm với các báo cáo bắt buộc về công bố tình hình kinh doanh, tài chính. Các thông tin này nên được đăng tải chính thức có hệ thống, minh bạch trên các kênh thông tin chính thống, đồng thời với các kênh thông tin truyền thông báo chí chính thống, mạng xã hội. Điều này giúp cho người tiêu dùng, nhà đầu tư, chính phủ, và cộng đồng có liên quan có thể cập nhật việc thực hiện ESG.
Nên xem xét các chương trình quảng bá thương hiệu phù hợp để có thể lồng ghép khéo léo việc thực hiện ESG. Tuy nhiên nên hạn chế cung cấp thông tin quá đà, quá trực tiếp về ESG trong truyền thông quảng bá/quảng cáo, tránh làm người tiêu dùng có góc nhìn không đúng về hoạt động thực hiện cam kết ESG của ngân hàng.
Bên cạnh hoạt động công bố thông tin, xây dựng chính sách ESG, các NHTM cần đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện chính sách ESG, có phòng ban hoặc ít nhất một nhân sự chuyên trách về ESG, cũng như có cơ chế để giám sát và đo lường để thực thi ESG hiệu quả. Điều đó giúp duy trì tính nhất quán trong việc thực thi ESG, góp phần hổ trợ việc truyền thông tốt hơn.
* Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của anh.
* Nguồn: Brands Vietnam
https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/339984-Re-think-CSR-29-Y-nghia-cua-bao-cao-ESG-cho-nganh-tai-chinh-ngan-hang-Viet-Nam-nam-2023