Categories: Tiêu điểm

Nhìn từ góc độ người Việt: Cách tiếp cận giao tiếp và làm việc của sếp Philippines

Sếp người Philippines: Macky del Rosario – Senior Client Manager tại Edelman Vietnam. Đến từ môi trường giao tiếp đa dạng, ông cho thấy sự linh hoạt trong làm việc với đồng nghiệp và dưới quyền lãnh đạo. Độc đáo và thú vị!

“Nghe nói sếp Anh hay thế này, nghe nói sếp Ấn thế kia…”. Vậy thực sự sếp ở mỗi nước họ có quan điểm như thế nào về công việc? Họ nghĩ gì về chúng ta? Họ thích phở Hà Nội hay phở Sài Gòn? Series Sếp Tây Sếp Ta sẽ trả lời cho câu hỏi này.

Trong tập đầu tiên, Brands Vietnam sẽ đưa bạn tìm hiểu về một ngày của người bạn từ Philippines: Macky del Rosario – Senior Client Manager. Macky hiện đang làm cho một Agency không chỉ (tự gọi) là Agency mạnh nhất phường Nguyễn Thái Bình Quận 1, mà còn là tập đoàn cố vấn truyền thông có tiếng trên toàn cầu – Edelman Vietnam.

Câu chuyện về một ngày làm việc của Macky:

8h sáng: E-mail khách hàng và cà phê phin Sài Gòn.

Hớp một ngụm cà phê đen đậm, anh nhíu mày một cái nhẹ, tự nghĩ rằng caffein đang chạy lên não mình. Sau khi tự thấy rằng mình đã đủ tỉnh táo, Macky mở danh sách công việc của ngày hôm nay ra, và kiểm tra hòm thư để xem có những lá thư nào đã gửi cho mình sau giờ làm hôm qua không. Sẽ luôn có một ai đó gửi e-mail thật là muộn, đôi khi là gần nửa đêm, nhưng thường Macky sẽ không dành thời gian đêm muộn để kiểm tra hòm thư. Đó là vì anh cần làm một thứ khác rất quan trọng! (và bạn sẽ biết điều đó ở cuối bài này).

Anh Macky del Rosario – Senior Client Manager tại Edelman Vietnam.

9h sáng: Nhân viên của tôi đâu rồi?

Macky luôn cho rằng mình phải là một người mẫu mực và đến văn phòng từ rất sớm. Nhưng không phải ai ở đây cũng như vậy. Hiện văn phòng vẫn chưa đầy đủ tất cả mọi người. Một vài nhân sự của anh còn phải 10 giờ mới đến. Anh luôn tự hỏi sao mọi người ở đây cứ phải giờ đấy mới đến văn phòng? Với anh, chuyện này thật khó hiểu.

Thế là anh quyết định rằng mình có thể chiếm thêm được vài phút nữa để tận hưởng ly cà phê đang dở dang. Mân mê ly cà phê trên tay rồi ngắm trời một lúc. 9:30 – chỉ mới có thêm vài người đến văn phòng. Anh tự hỏi sao ở đây mọi người đi làm vào các khung giờ khác nhau thế nhỉ. Nghĩ một hồi, anh ngẫm thấy ở Việt Nam những người làm chung một công ty có vẻ hơi xa cách. Ở agency bên Philippines, công ty luôn tạo ra không khí của một gia đình cho toàn bộ nhân viên. Vì thế nên ở đấy tất cả mọi người rất gắn kết, chuyện gì cũng kể cho nhau, nhưng đồng thời cũng cạnh tranh gay gắt. Nghĩ nhiều là thế, chứ anh vẫn chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi về giờ giấc ban nãy. Nhưng chắc đây cũng chỉ là một khác biệt văn hóa làm việc khác mà anh cần phải làm quen thôi.

9h30 sáng: WIP 1-0-1 – Khách hàng có vấn đề gì không? À mà trưa nay ăn gì nhỉ?

Mang tinh thần “đối người công ty như đối người nhà”, Macky không chỉ quan tâm về chỉ số KPI, mà còn là môi trường và điều kiện làm việc: liệu đã đủ để con người phát triển. Một trong số những nỗ lực này, đó là việc tạo ra các buổi gặp trao đổi và chia sẻ riêng hằng tháng. Không như các buổi họp WIP (work-in-progress), đây là buổi trao đổi được dành cho việc hai bên chia sẻ ý kiến đóng góp và hiểu tường tận các khó khăn mà anh cũng như bạn nhân viên đang gặp phải.

Để tạo được không khí thoải mái cho việc chia sẻ, anh triển khai các buổi trao đổi riêng với từng nhân sự. Trong cuộc họp, Macky hỏi thăm về cuộc sống thường ngày, xem các bạn có ổn không. Đối với Macky mà nói, một công việc quan trọng của người leader chính là đảm bảo nhân viên của mình không phải đối mặt với các vấn đề của cuộc sống một mình, đặc biệt là khi nó gây ảnh hưởng xấu tới tiến độ công việc của họ. Nhiều khi, anh sẽ hỏi những câu tưởng vô tri nhưng mà lại rất gần gũi để tháo gỡ sự ngại ngùng của các bạn khi chia sẻ “Trưa nay em tính ăn gì ấy?”. Khác với nhiều người ở vị trí quản lý cho rằng việc thân với nhân viên hay không còn phải phụ thuộc vào tính cách, Macky xem đó như là một phần trong trách nhiệm của mình.

Để tạo ra sự thoải mái, Macky thường triển khai các cuộc họp WIP với từng nhân viên.
Nguồn: Getty Images

Để đảm bảo tất cả mọi người trong team thoải mái chia sẻ cả các khó khăn trong cuộc sống cá nhân, Macky chính là người đầu tiên mở lòng mình hơn. Mục đích cuối cùng là có thể xây dựng một văn hóa mà ở đó, tất cả cảm thấy an toàn và được tạo điều kiện để nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình. Điều này cũng giúp Macky trong việc tìm hiểu đặc điểm của ngành báo chí và truyền thông tại Việt Nam. Là người nước ngoài, Macky cần cả team chia sẻ nhiều thông tin đa chiều nhất có thể. Do đó, trong các buổi họp chung hay riêng, anh luôn lắng nghe luồng thông tin từ tất cả mọi người, bất kể chức danh.

10h15 sáng: Nhân viên hơi… báo – “Em bận lắm, không làm đâu”

Trong team có bạn A hiện tại đang được đánh giá là có hiệu quả công việc thấp, trễ deadline nhiều, lại thêm có biểu hiện là không lắng nghe đóng góp hay thừa nhận lỗi. Câu nói cửa miệng của bạn là: “Em bận lắm, không làm đâu”. Nhưng không ai biết là bận cái gì. Theo đánh giá khách quan của người ngoài, nhân viên này đã được cộp mác “không đóng góp và cần phải luân chuyển”. Tuy nhiên, Macky tin rằng đó không phải là giải pháp nhân văn cho lắm. Và buổi họp hôm nay là lúc Macky tìm hướng cải thiện tình hình này.

Thay vì chỉ trích, Macky đặt thách thức cho mình phải tìm mọi cách mà công ty hay mình có thể làm để cải thiện thái độ của nhân viên.
Nguồn: Getty Images

Macky sẽ luôn mở đầu cuộc hội thoại một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, để bạn A có thể cảm thấy thoải mái mà chia sẻ thật lòng các vấn đề của mình. Trong suốt quá trình lắng nghe và tìm hiểu thêm về tình trạng của bạn hiện tai, Macky giữ niềm tin rằng bạn sẽ có những lý do riêng, và không loại trừ khả năng nó đến từ phía công ty hoặc cấp quản lý. Việc chăm chăm đổ trách nhiệm ngay cho nhân viên là một điều anh không ủng hộ. Thay vì la hay khiển trách bạn, Macky sẽ đặt câu hỏi cho mình xem liệu bạn A đang phải gặp các thách thức hay khó khăn gì, để từ đó cùng bạn tìm ra giải pháp cải thiện các vấn đề của bạn.

Quả thật, người quản lý nào cũng muốn cho mình một người có thể chủ động trong công việc và tương tác với bên trong lẫn bên ngoài, nhưng không phải lúc nào ta cũng được một người như vậy ngay từ khi bắt đầu làm việc. Hầu như mọi nhân viên đều cần nhiều sự hỗ trợ và dẫn dắt từ cấp quản lý để hoàn thiện mình. Macky hiểu điều này rất rõ, nên anh sẽ luôn đặt sự bao dung lên trên khi làm việc với nhân sự của mình.

10h45 sáng: Nhân viên mà không phục thì sao?

Trao đổi với bạn A xong, giờ tới một ca cũng khá là nhức đầu khác.

Mang tinh thần “đối người công ty như đối người nhà”, Macky không chỉ quan tâm về KPI, mà còn là môi trường và điều kiện đủ để con người phát triển.

Bây giờ là đến lượt nhân viên B: một nhân viên luôn hoàn thành xuất sắc các công việc, KPI vượt kỳ vọng, có khả năng tự chủ giải quyết vấn đề rất cao. Tuy nhiên phàm mà khen ai cái gì quá, cũng phải đi kèm một chữ “nhưng”. Bạn B thì không phục Macky ở cách anh xử lý công việc. B luôn có cách làm riêng và cho dù Macky đưa ra hướng giải quyết vấn đề khi B bế tắc, anh thường không làm theo mà tự tìm cách riêng.

Với những người quản lý, đây chắc chắn là chuyện không vui, và họ dễ “cảm tính” mà không trao quyền cho nhóm nhân sự này. Với Macky, anh không ngăn chặn chuyện này. Anh chỉ đưa ra hai yêu cầu duy nhất mỗi khi B tự quyết: tuân theo các sự thống nhất trước đó; tuân thủ quy định và chuẩn bị của công ty và khách hàng. Anh vẫn sẽ cởi mở với các phương pháp làm mới của bạn. Còn trong trường hợp bạn không tuân thủ một trong hai điều trên, anh cần dùng tới uy quyền của mình để giải quyết (dù Macky hạn chế nhất việc dùng uy để trị).

12h trưa: Ăn trưa

Buổi trưa hôm nay anh sẽ một mình đi ăn món ăn yêu thích của mình: Phở – theo kiểu Bắc.

14h chiều: Xử lý “ân oán giang hồ”

Dù tự thấy mình cũng “dễ thương thân thiện” với các phòng ban khác trong công ty, Macky không lấy đó làm một đặc quyền để có thể nhờ vả hay bôi trơn các công việc có liên quan tới các phòng ban đó. Là người giao tiếp thẳng thắn, anh sẽ hòa đồng và thân thiện với những người anh cảm thấy mình muốn, chứ không vì mục đích chính trị nào trong đó. Còn khi cần ai đó hỗ trợ hoặc đẩy nhanh tiến độ hơn trong công việc, anh chọn cách đưa đầy đủ thông tin, một cách chuyên nghiệp, để đối phương sẽ thực hiện việc công việc bởi đó là trách nhiệm của họ với công ty, chứ không phải vì “tình nghĩa”. Khác với phong cách giao tiếp của người Việt Nam là hay “lòng vòng” hay nói đằng Đông ý đằng Tây, Macky luôn truyền đạt thông tin trực tiếp – và đó cũng là văn hóa giao tiếp công sở tại Philippine.

Nhưng cách làm này chỉ có thể với những người đã có kinh nghiệm khá là dày dặn như anh. Còn nhân viên dưới quản lý của anh thì chưa được cứng cáp như thế. Hôm nay, một bạn vừa bị phòng kế toán từ chối xử lý một khoản thanh toán gấp. Tất nhiên, bạn ấy đã phải cầu cứu Macky. Anh sẽ không giải quyết bằng cách tự mình đi qua phòng kế toán để nói chuyện, mà sẽ yêu cầu bạn giải trình đầy đủ lý do, sau đó sẽ phân tích nguyên nhân vì sao việc này diễn ra, và cùng bạn tìm ra hướng giải quyết hiện tại. Quan trọng nhất vẫn là bạn nhân viên phải học cách tự mình giải quyết được vấn đề. Tất nhiên, cũng sẽ có những trường hợp đặc biệt hơn, đó là khi công việc cần dùng “quyền lực” để giải quyết. Khi đó anh sẽ lập tức nhảy vào để giải quyết vấn đề.

Thi thoảng, Macky cũng viết lách (journaling) để đi vào bên trong cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Nguồn: corelens

19h: Thời gian cho bản thân

Một số người tự hỏi, làm sao Macky có thể giữ cho tâm mình tĩnh lặng như mặt hồ trước sóng gió văn phòng. Quả thật, đối mặt với những người cộng sự không mấy tử tế với mình, bản năng ai cũng phản ứng ngược lại để bảo vệ bản thân hoặc lợi ích của mình. Và câu trả lời cho sự điềm đạm và cách lãnh đạo đầy khoan dung cho nhân sự của mình là…

Mỗi ngày Macky thiền hai lần, sáng sớm và buổi tối, 50 phút mỗi lần. Chẳng cần một không gian được trang trí theo phong cách Wabi Sabi như các Lifestyle KOLs, anh cứ đơn giản thiền trên chiếc giường hoặc băng ghế ngoài phòng khách, với ứng dụng Calm trên điện thoại. Thi thoàng, Macky cũng viết lách (journaling) để đi vào bên trong cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Và đó là hết … những nội dung mà Macky cho phép Brands Vietnam chia sẻ. Những chia sẻ này mang tính chất cá nhân, hơn là thay mặt để khẳng định về quan điểm của cả một dân tộc. Tuy nhiên, những câu chuyện này vẫn phản ánh được tinh thần của một người Philippines, có giá trị cho việc bạn nắm được một số tinh thần làm việc cơ bản. Dù vậy, tác giả bài này đề xuất bạn hãy cầm bài viết này làm “cớ” đi hỏi sếp Tây của mình: “Ủa sếp ơi bài này ghi sếp nước ngoài làm cái này nghĩ cái kia nè, sếp có thấy vậy không?” Cũng là một cái cớ để bạn bắt đầu tìm hiểu quan điểm của sếp bạn trong giao tiếp công việc đấy!

Oscar Le
* Nguồn: Brands Vietnam

https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/338560-Sep-Tay-Sep-Ta-1-Tim-hieu-ve-quan-diem-trong-giao-tiep-va-lam-viec-cua-mot-nguoi-sep-Philippines

Share