Valentino Garavani: Fashion Icon với “bộ cánh đỏ” đẳng cấp

0
87
Valentino Garavani: Fashion Icon với “bộ cánh đỏ” đẳng cấp

Nhắc đến Ý, hãy nghĩ ngay đến sự lãng mạn và gu thẩm mỹ tinh tế. Và khi nhắc đến Valentino Garavani, người ta không thể không nhớ đến “bộ cánh đỏ” đẳng cấp. Huyền thoại thời trang người Ý đã tạo nên những bộ trang phục lộng lẫy và thanh lịch, trở thành biểu tượng của phong cách Ý đích thực.

Dưới bầu trời thanh bình của Voghera – một thị trấn nhỏ bé ẩn mình giữa Turin và Milan, Valentino Garavani cất tiếng khóc chào đời vào ngày 11/5/1932. Ngay từ thuở thiếu thời, tâm hồn ông đã bị thu hút bởi vẻ đẹp lộng lẫy của các minh tinh Hollywood trong bộ phim “Ziegfeld Girl”, khơi dậy ước mơ cháy bỏng về việc tạo nên những bộ trang phục lộng lẫy.

“Mống” vững để dựng xây kho tàng nghệ thuật đồ sộ

a43 valentino garavani profile ima 1710994165

Năm 17 tuổi, Valentino Garavani theo học tại École des Beaux-Arts trong một năm trước khi chuyển sang Chambre Syndicale de la Couture Parisienne để học về kỹ thuật haute couture.
Nguồn: Niood

Năm 1949 – tức 17 tuổi – đánh dấu cột mốc đầu tiên với Valentino khi ông quyết định rời quê hương để theo đuổi giấc mơ tại Paris – kinh đô thời trang thế giới. Tại đây, ông theo học tại trường đại học nghệ thuật công lập École des Beaux-Arts trong một năm trước khi chuyển sang Chambre Syndicale de la Couture Parisienne – cái nôi đã ươm mầm cho biết bao nhà thiết kế tài ba, như Karl Lagerfeld hay Yves Saint Laurent để học về kỹ thuật haute couture (may đo cao cấp). Mặc dù chỉ gắn bó với École des Beaux-Arts trong một thời gian ngắn, nhưng đây là một trải nghiệm quan trọng giúp Valentino phát triển kỹ năng vẽ và thiết kế, vốn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp thành công của ông sau này.

Vào thời điểm đó, Paris là môi trường đầy thử thách đối với những nhà thiết kế ngoại quốc, đặc biệt là người Ý. Valentino từng ấp ủ hoài bão đặt chân vào những nhà mốt danh tiếng bậc nhất Paris như Jacques Fath và Balenciaga nhưng vận may chưa mỉm cười khi ông không vượt qua được các bài kiểm tra khắc nghiệt. Thế nhưng tài năng và tinh thần ham học hỏi đã giúp Valentino vượt qua mọi rào cản, giành giải nhất tại cuộc thi thiết kế thời trang do International Wool Secretariat (IWS) tổ chức. Giải thưởng danh giá này đã đưa tên tuổi Valentino đến bậc thầy haute couture – Jean Dessès và gắn bó trong 5 năm đầu của sự nghiệp.

Xưởng may Dessès như một ốc đảo lộng lẫy, ẩn chứa kho tàng kiến thức vô giá về haute couture. Valentino đắm chìm trong thế giới của những đường kim mũi chỉ tinh tế, tỉ mỉ – nơi từng mảnh vải được nâng niu, biến hóa thành những bộ trang phục lộng lẫy, kiêu sa. Dưới sự dẫn dắt của Jean Dessès, Valentino học cách tôn vinh vẻ đẹp tiềm ẩn trong từng chất liệu, thổi hồn vào từng thiết kế để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Niềm đam mê với sự tinh tế, thanh lịch và nữ tính dần được hun đúc, ấp ủ trong tâm hồn Valentino, hứa hẹn một bộ sưu tập mang đậm dấu ấn cá nhân của riêng mình.

a43 valentino garavani ho c nghe 1710994918

Dưới sự dẫn dắt tận tình của Dessès, niềm đam mê với sự tinh tế trong từng thiết kế nhen nhóm trong Valentino, ấp ủ bộ sưu tập với phong cách thanh lịch và nữ tính cho riêng mình.
Nguồn: Luxity

Hành trình học nghề không chỉ dừng lại ở đó, năm 1957, Valentino gia nhập đội ngũ thiết kế của Guy Laroche – nhà thiết kế tài ba tại Dessé vừa thành lập thương hiệu thời trang riêng. Mối duyên hợp tác này kéo dài hai năm, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Valentino.

Chập chững thành lập thương hiệu cá nhân

Năm 1959, ở tuổi 27, Valentino rời Paris hoa lệ để quay trở về quê hương Rome. Mang theo hoài bão ấp ủ bấy lâu và sự hậu thuẫn về tài chính từ gia đình, ông mở tiệm thời trang đầu tiên – Maison Valentino trên con phố Via Condotti sang trọng cùng với người bạn đời Giancarlo Giammetti – một sinh viên kiến trúc tài năng.

a43 giancarlo giammetti valentino 1710996443

Giancarlo Giammetti đã đồng hành cùng Valentino Garavani từ những bước chân đầu tiên trong sự nghiệp.
Nguồn: Getty Images

Không chỉ là người bạn đồng hành, Giammetti còn là người cộng sự đắc lực, giúp Valentino chèo lái thương hiệu thời trang non trẻ trên thương trường đầy cạnh tranh. Giammetti phụ trách khía cạnh thương mại, giải phóng Valentino khỏi những gánh nặng, để ông toàn tâm toàn ý sáng tạo những thiết kế tuyệt mỹ.

a43 cleopatra spartacus valentino 1710996984

Nữ diễn viên Elizabeth Taylor diện bộ váy trắng đặt riêng tại Maison Valentino.
Nguồn: Valentino Garavani Museum

Dường như số phận nổi tiếng của Valentino đã được định sẵn khi Elizabeth Taylor – nữ minh tinh Hollywood đình đám có mặt tại Rome để quay bộ phim Cleopatra, đã tình cờ chiêm ngưỡng những thiết kế của Valentino.

Sự sang trọng, tinh tế toát lên từ những bộ trang phục đã chinh phục trái tim người đẹp. Bà đặt hàng một chiếc váy trắng để diện lên mình trong buổi công chiếu ra mắt bom tấn Spartacus, vô tình đưa tên tuổi của Valentino đến công chúng quốc tế.

Kể từ đó, thương hiệu Valentino phát triển như diều gặp gió tại “đất nước hình chiếc ủng”. Năm 1962, Florence – thành phố nghệ thuật lừng danh của Ý – trở thành chứng nhân cho một sự kiện lịch sử trong làng thời trang thế giới khi nhà thiết kế tài ba trình làng bộ sưu tập haute couture đầu tiên tại Pitti Palace và nhận được sự đánh giá cao từ giới mộ điệu.

Những thiết kế của Valentino mang đậm phong cách thanh lịch, lãng mạn và sang trọng với kỹ thuật cắt may tinh tế và chất liệu cao cấp.

Ông đặc biệt yêu thích màu đỏ – đại diện cho tình yêu, đam mê và quyền lực – và biến nó thành biểu tượng của thương hiệu Valentino. “Valentino Red” được chàng trai trẻ lấy cảm hứng nhen nhóm từ một bóng hồng kiêu sa tại nhà hát opera Barcelona.

a43 valentino red dress 1711000341

Sắc đỏ đặc trưng trong các bộ sưu tập của Valentino.
Nguồn: Tổng hợp

Chuỗi chiến tích huy hoàng trong làng thời trang

Mặc dù có bước đầu thuận lợi, song con đường kinh doanh của Valentino không hề trải hoa hồng vì thị trường thời trang lúc bấy giờ cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là với sự thống trị của các nhà thiết kế Pháp. Valentino loay hoay tìm sự đột phá để khẳng định vị thế thương hiệu của mình, không muốn đi vào lối mòn như một phiên bản thời trang Pháp tại Ý.

Và thế là dù gắn liền với sắc đỏ đặc trưng, nhưng chính “Valentino White Collection” (1967) với tông màu chủ đạo là trắng, ngà be lại bất ngờ đưa ông lên đỉnh cao thời trang và giành được giải thưởng Neiman Marcus. Bộ sưu tập này là sự đối lập hoàn toàn với những họa tiết rực rỡ theo phong cách nghệ thuật thị giác thịnh hành lúc bấy giờ.

a43 valentino white collection 1711002237

Bộ sưu tập “không màu” – Valentino White Collection.
Nguồn: Glamob Serve

Hơn thế, BST còn còn mở ra một chương mới mối quan hệ giữa Valentino và Jacqueline Kennedy. Khi đó, biểu tượng thời trang của thế kỷ XX đã tìm đến Valentino sau khi nhìn thấy thiết kế của ông trên tạp chí Vogue, và ngay lập tức bị thu hút bởi phong cách thanh lịch pha lẫn sự tinh tế trong từng đường nét. Từ ấy, một tình bạn đẹp đẽ nảy nở, đưa Jacqueline trở thành một trong những khách hàng trung thành nhất của Valentino.

a43 va y xanh satin valentino 1711001590

Tái hiện hình ảnh chiếc váy xanh satin được Jacqueline Kennedy diện trong chuyến thăm Campuchia vào 1967.
Nguồn: Vogue

Bên cạnh những lễ hội thời trang xa xỉ, Valentino còn đồng hành cùng Jacqueline trong những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời như chiếc váy đen thanh lịch được bà diện trong thời gian tang chồng – Tổng thống John F. Kennedy hay chiếc váy xanh satin trong chuyến viếng thăm Campuchia (1968) là minh chứng cho sự thấu hiểu và đồng điệu về tâm hồn giữa hai con người nghệ sĩ.

Năm 1968, Jacqueline khoác lên mình chiếc váy ren trắng tinh khôi do chính Valentino thiết kế trong lễ cưới với Aristotle Onassis. Chiếc váy như lời chúc phúc cho hạnh phúc mới của Jacqueline, đồng thời ghi dấu một tình bạn đẹp đẽ vượt ra ngoài ranh giới khách hàng – nhà thiết kế.

Cũng trong năm đó, Valentino ra mắt logo chữ V đặc trưng của thương hiệu. Và ngoài Jacqueline, danh sách khách hàng của Valentino còn hội tụ những nhan sắc huyền thoại và quyền lực khác, có thể kể đến như Nữ hoàng Bỉ Paola, Công chúa Vương quốc Anh Margaret, Công nương Diana, Audrey Hepburn

Đến năm 1969, cửa hàng thứ hai của Valentino được khai trương tại Milan, tiếp đó là New York và Rome. Những cửa hàng ready-to-wear (hàng may sẵn) này đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của thương hiệu.

Bởi lúc bấy giờ, thời trang may sẵn vẫn là một ngành kinh doanh mới mẻ khi suốt cuối những năm 50 thì chỉ có thời trang haute couture mới được xem là “chính thống”. Các nhà thiết kế giới thiệu thời trang cao cấp trong những buổi trình diễn nhỏ tại xưởng may của họ.

a43 kennedy die n va y cu o i cua 1711001760

Jackie Kennedy diện váy cưới Valentino trong đám cưới với Aristotle Onassis.
Nguồn: Harper’s Bazaar

Ngược lại, may sẵn tập trung sản xuất hàng loạt quần áo để bán tại các cửa hàng bách hóa. Các nhà buôn sẽ đặt may từ những nhóm thiết kế ẩn danh, tạo ra những trang phục “đại trà” với giá cả phải chăng. Dĩ nhiên, hàng ready-to-wear khi ấy không được coi là “thời trang thực thụ”.

Tuy vậy, Valentino đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường này và tiên phong trình làng BST ready-to-wear tại Tuần lễ Thời trang Paris vào năm 1973, đồng thời mặc nhiên thương hiệu thời trang Ý này trở thành tâm điểm trong các sự kiện thời trang tiếp theo.

Sức ảnh hưởng của thời trang may sẵn Valentino lớn đến mức Hebe Dorsey – nhà báo tại International Herald Tribune đã viết rằng: “Lần đầu tiên, Paris dang rộng vòng tay với một nhà thiết kế người Ý, dành cho ông sự chào đón nồng nhiệt thường chỉ dành cho các thành viên của câu lạc bộ thượng lưu của chính họ.”

Công cuộc mở rộng danh mục sản phẩm, đạt vị thế thương hiệu tỷ đô

Năm 1978 đánh dấu bước ngoặt mới trong chiến lược thương mại của Valentino. Ông không chỉ chinh phục giới mộ điệu bằng những thiết kế thời trang cao cấp mà còn lấn sân sang lĩnh vực nước hoa xa xỉ. Dòng nước hoa đầu tiên mang thương hiệu Valentino ra đời, mở ra hướng đi mới, đa dạng hóa thương hiệu và gia tăng sức hút trên thị trường.

Tiếp nối thành công, Valentino liên tục gặt hái những dấu ấn vang dội trong thập niên 80. Ông vinh dự được thiết kế trang phục cho đội tuyển Olympic Italia năm 1984, thể hiện sự tin tưởng và tầm ảnh hưởng của ông trong ngành thời trang. Cùng thời gian này, Valentino được mời trình diễn bộ sưu tập tại Metropolitan Museum (New York) và Tokyo – sự kiện tôn vinh “5 nhà thiết kế xuất sắc nhất thế giới”. Danh tiếng của Valentino vang danh quốc tế, khẳng định vị thế huyền thoại trong lòng giới mộ điệu.

a43 oliver by valentino 1711002731

Oliver by Valentino hướng đến đối tượng trẻ ưa thích phong cách nổi bật.

Bên cạnh đó, ông còn ra mắt một dòng sản phẩm may sẵn mới mang tên Oliver, đặt theo tên chú chó pug yêu quý. Oliver by Valentino hướng đến đối tượng trẻ trung hơn, với phong cách “trẻ trung” và “nổi bật” hơn so với dòng chính. Các thiết kế mang hơi hướng may đo tinh nghịch, “gợi cảm” với áo khoác cong và váy xếp ly bên hông, toát lên vẻ kiêu hãnh và tự tin. Đến năm 1995, Valentino có kế hoạch đưa Oliver đến Mỹ, nhưng gặp phải vấn đề về tên thương hiệu đã được đăng ký cho một công ty may mặc khác. Oliver được quyết định đổi tên tại thị trường Mỹ, nhưng vẫn giữ nguyên tên ở các quốc gia khác.

Tuy trải qua nhiều biến động kinh doanh, giá trị thương hiệu Valentino vẫn đạt mốc 300 triệu USD vào cuối thập niên 90. Mặc dù bán lại công ty, Valentino vẫn giữ vai trò nhà thiết kế chính, tiếp tục chèo lái con thuyền sáng tạo của thương hiệu. Năm 2006, ông được trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tín của Pháp – tôn vinh những đóng góp to lớn của ông cho ngành thời trang thế giới.

40 năm cống hiến cho thời trang

Năm 2008, Valentino chính thức tuyên bố nghỉ hưu sau hơn 40 năm cống hiến cho nghệ thuật thời trang. Thời điểm đó, thương hiệu cũng đã đạt được mức lợi nhuận ròng ấn tượng trên 261 triệu euro. Cùng năm đó, bộ phim tài liệu “Valentino: The Last Emperor” được công chiếu tại Liên hoan Phim Quốc tế Venice và Liên hoan Phim Quốc tế Toronto, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của ông.

Bộ phim tái hiện lại một buổi trình diễn thời trang với nhân vật chính Miranda Priestly (Meryl Streep) – người ngồi hàng ghế đầu – đang hậu trường để chào đón ông Valentino Garavani.

Qua đó, có thể thấy, sự kiên định của Valentio Garvani với triết lý “Thanh lịch là sự cân bằng giữa tỷ lệ, cảm xúc và tính bất ngờ” đã giúp ông theo đuổi sự xa hoa và thanh lịch, nâng tầm vị thế của nước Ý trên bản đồ thời trang. Cũng như khi nhìn vào kho tàng nghệ thuật đồ sộ của ông, ta thấy rõ sự hiện thân của sự sang trọng và đẳng cấp qua từng thiết kế. Điển hình là những chiếc váy với sắc đỏ đặc trưng của Valentino – sự kết hợp của 100% đỏ tươi, 100% màu vàng và 10% màu đen.

Theo Lam Phương / Brands Vietnam
*
Nguồn: Tổng hợp

https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/339338-Fashion-Icon-5-Valentino-Garavani-Ong-hoang-cua-loi-song-thuong-luu-voi-nhung-bo-canh-do

CHIA SẺ

Gõ câu hỏi / ý kiến của bạn dưới đây nhé