Bài viết để trả lời quan điểm của khá nhiều người cho rằng giáo dục tư nhân là siêu lợi nhuận
Phần 1: Chưa bao giờ siêu lợi nhuận
Wall Street English Việt Nam đã từng được đầu tư hàng chục triệu USD, cách đây mấy hôm thông báo bán cho một đối tác với giá 6 triệu USD. Con số này bằng một phần nhỏ những gì các nhà đầu tư cũ đã từng đầu tư vào.
Hệ thống Apax Holdings sở hữu hàng chục trung tâm tiếng Anh công bố lỗ gần 170 tỷ chỉ trong quý 1 năm vừa rồi.
Một tổ hợp Giáo dục dựa trên nền tảng công nghệ (edtech) từng được coi là điểm sáng, cách đây hơn năm lỗ gần 200 tỷ, hiện đang thu hẹp hoạt động đáng kể với người sáng lập đã từ chức.
Khá nhiều đại gia đầu tư vào giáo dục đại học để rồi cuối cùng phải cắn răng từ bỏ. Những đại gia lớn ở Việt Nam nhảy vào giáo dục cũng chỉ muốn đóng góp cho giáo dục chứ không ai vì tiền. Tuy nhiên vì phần lớn là tay mơ nên rất nhiều trường đại học tư không lớn được hoặc rơi vào khủng hoảng.
Đại học Hùng Vương mãi không xử xong tranh chấp. Đại học Tân Tạo bao năm vắng bóng chủ tịch trường. ĐH Hòa Bình có lợi thế là chủ tỉ phú mà vẫn mất dạng. ĐH Hà Hoa Tiên thì càng ngày càng thu hẹp. Chủ ĐH Hữu Nghị loay hoay mãi rồi cũng phải chuyển nhượng lại cho người có kinh nghiệm hơn. ĐH Đông Đô từng là cỗ máy bán bằng để giờ ông chủ phải trốn chui chốn lủi. ĐH Công Nghệ Sài Gòn giờ chỉ như một kỷ niệm đẹp với số lượng sinh viên khá ít.
Vậy thị trường giáo dục tư nhân có siêu lợi nhuận như báo chí viết hay rất nhiều người nghĩ không? Tôi thì cho rằng hoàn toàn không. Giáo dục tư nhân chưa bao giờ là lợi nhuận nhiều, chứ đừng nói là siêu lợi nhuận. Còn làm giáo dục chưa bao giờ dành cho tay mơ cả.
Có mấy công ty làm giáo dục lớn ở Việt Nam như Nguyễn Hoàng, FPT, VinSchool, hệ thống BIS, hệ thống trường VAS, mà định giá lớn nhất đến giờ cũng chưa đến vài trăm triệu USD nên không thể gọi là lớn được. Thương vụ lớn nhất hiện giờ là thương vụ mua lại hệ thống VAS của TPG khoảng 150 và Baring mua lại hệ thống VUS khoảng 200-300tr USD (không kiểm chứng chính xác).
VinSchool cho đến bây giờ vẫn lỗ và nếu không có hầu bao lớn và các dự án bất động sản của Vingroup thì chắc chắn không thể được như bây giờ. FPT Education cũng bao năm dựa vào thương hiệu FPT mới lớn lên được. Nhưng giá trị và đóng góp chắc chưa đến 1/4 vào doanh thu và định giá của FPT. Nên dùng FPT và VinSchool để nói về sự sung túc của nhà đầu giáo dục tư nhân thì chắc chắn không chính xác.
Tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng mới chỉ lột xác lớn trong vòng 5 năm nay với việc mua lại Hoa Sen, Hồng Bàng và phát triển hệ thống ISCHOOL. Cách đây 8 năm hồi tôi gặp người sáng lập thì công ty vẫn còn rất nhỏ. Doanh thu của Nguyễn Hoàng chắc chưa vượt quá con số 200 triệu USD doanh thu/năm. Và họ cũng còn phải phấn đấu rất nhiều với mô hình phát triển tích lũy tài sản như vậy thì chắc đầu tư cũng vô cùng lớn.
Các tay chơi khác trong làng đại học như Duy Tân, Văn Lang, Nguyễn Tất Thành, Văn Hiến cũng chỉ có doanh thu loanh quanh 50 triệu USD/năm với vô vàn các khoản chi phí khác. Các trường phổ thông cũng thế. Giỏi lắm thì một công ty giáo dục có khoảng 2-3 trường là xuất sắc. Cứ nhìn Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Ngôi Sao, Lương Thế Vinh, hệ thống Việt Úc – VAS thì sẽ rõ.
Ở HN có hai trường khá nổi tiếng là Olympia và Newton. Olympia mấy năm nay rất thành công và có số lượng học sinh khoảng 1000 học sinh. Newton thì phát triển nhanh với gần 4000 học sinh. Hai trường này luôn có số lượng học sinh đăng ký vượt quá khả năng hiện tại. Tuy nhiên nếu nhìn lịch sử thì không hề dễ dàng. Hơn 10 năm Olympia vật vã, có lúc nghe nói tưởng sập tiệm vì tiền vay ngân hàng vào đúng lúc khủng hoảng kinh tế. Còn Newton thì có lúc thuê trường ở khu liên hiệp thể thao, đếm từng học sinh nhập học.
Sau 10 năm mới được ngày nay, mà cũng chỉ có 1 Olympia và 1 Newton. Nếu không vì yêu giáo dục thì tôi nghĩ những người chủ ở đó chắc bỏ đi buôn đất còn giàu hơn.
Đa số những người làm giáo dục tư nhân đều thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ với quy mô doanh thu loanh quanh khoảng 30-50 tỷ/năm trở xuống, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều.
Ví làm giáo dục siêu lợi nhuận cũng không khác gì ví bà bán nước chè ở cạnh Nhà Hát Thành Phố HCMC hay bán đánh giày, hay quán ăn, chỉ khác trên quy mô thôi. Biên lợi nhuận của bà bán nước chè, quán ăn hay đánh giày chắc phải đến 50%. Biên lợi nhuận trung bình của giáo dục là từ 8-18% là xuất sắc (trừ ông FPT thỉnh thoảng khoe ngầm trong làng giáo dục là lên đến 30%). Nhưng sau khi trừ đi khấu hao (rất nhiều ông bà làm giáo dục phổ thông hay quên mất cái này) thì chỉ còn 7-15% là oách lắm.
Về mặt kinh tế học, các trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm nên thị trường dạy tiếng Anh hiện giờ là cạnh tranh hoàn hảo “perfectly competitive”. Ở một thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì lợi nhuận sẽ rất thấp và có thể bằng 0. Do đó tích lũy vốn không hề nhiều.
Đối với các trường phổ thông thì do uy tín xây đắp hơn chục năm, và cũng chỉ có số lượng ít và địa điểm tốt (có từ chục năm về trước) nên họ duy trì được thế cạnh tranh của mình và có một lượng học sinh đều đặn. Nhưng họ cũng chỉ đạt được một quy mô rất nhỏ một vài trường mà thôi. Với trường nào có nhiều cổ đông thì lợi nhuận hàng năm chia hết sạch. Lấy đâu ra mà tiền mà tái đầu tư.
Các trường đại học cũng thế. Các trường ĐH tư mới bùng nổ trong 10 năm trở lại đây. Lợi nhuận tích lũy cũng không có nhiều do có đồng nào thì đi vay mượn để mua đất xây trường hết rồi. Quy định ngớ ngẩn của nhà nước bắt một trường ĐH phải có tối thiểu 5ha đất và 1,000 tỷ đầu tư làm không biết bao nhiêu nhà đầu tư giáo dục chân chính phải ngậm ngùi rút lui.
Thế tại sao người ta lại cứ nghĩ là giáo dục tư nhân là siêu lợi nhuận? Điểm khác biệt lớn nhất của kinh doanh giáo dục là được thu tiền trước khi cung cấp dịch vụ. Có thế thôi. Nên nếu làm khéo thì vốn hoạt động có thể tận dụng từ tiền đóng học phí. Nhưng cũng chả nhiều, thường người ta chỉ đóng học phí 3 tháng-6 tháng là cùng. (đấy là chưa kể lãi vay phải trả). Đây chính là điểm nhầm lẫn lớn nhất: tiền mặt thu trước không có nghĩa là lợi nhuận nhiều. Hoàn toàn không.
Tại sao làm giáo dục tư nhân không hề dễ dàng và không dành cho tay mơ?
Phần 2: Đầu tư vào giáo dục không dành cho tay mơ
A. Lý do thứ nhất: giáo dục là ngành mà ai cũng tự cho mình là chuyên gia, nên cách nhìn nhận đánh giá và kỳ vọng về chất lượng giáo dục rất khó thống nhất và luôn có bất đồng.
Bạn đi ăn quán nào nổi tiếng thì họ bán gì ăn nấy. Làm gì có chuyện bảo người ta nấu theo ý mình. Muốn thế thì trả thêm nhiều tiền, hoặc về nhà mà ăn. Bạn lên máy bay thì làm gì có chuyện góp ý với phi công bay đường nào cho nhanh. Bạn sẽ được mời xuống ngay.
Nhưng giáo dục thì khác. Không ai sờ được cái “giáo dục” nó hình thù thế nào nên ai cũng có thể cho mình là chuyên gia và góp ý được. Luật sư góp ý dạy con theo cách của luật sư. Công an/quân đội thì góp ý dạy con theo cách nhà binh. Tiến sĩ tâm lý biết mỗi một mảng mà chỗ nào cũng có thể đưa quan điểm được. Chả có cơ sở khoa học gì hết. Rất cảm tính! Nhà báo hay KOLs đọc nhiều nhưng chưa chắc đã sâu, cũng thành chuyên gia, sướng mồm lên chửi Bộ, Sở, Trường không ra gì. Cứ làm như là mọi tội lỗi về giáo dục ở Việt Nam có thể quy về cho ông Bộ trưởng, bà Giám đốc Sở, cô Hiệu trưởng dốt ấy!
Nguồn gốc cãi lộn của nhiều gia đình là dạy con. Đấy mới chỉ 1 đứa trẻ mà bố mẹ đã cãi lộn tưng bừng, chưa kể ông bà vào cuộc. Thế mà với 30 đứa trẻ một lớp mà cô giáo xử lý được thì phải nói cô thật là siêu nhân. Mỗi đứa trẻ một cá tính, một phong cách và mang trong mình bao nhiêu kỳ vọng của bố, mẹ.
Cha mẹ cho con học trường tư có tiền, hiểu biết nên lắm ý kiến, đòi hỏi. Trường sẽ liên tục nhận ý kiến từ phụ huynh. Không đồng thuận thì lên facebook chửi, căng khẩu hiệu, gọi phóng viên, báo cáo cơ quan chức năng. Trường tư nào không bản lĩnh thì sẽ bị xoay như chong chóng, phát điên lên, lấy đâu ra thời gian mà làm tốt nữa.
Giáo dục không phải như các ngành dịch vụ khác. Người trả tiền cho dịch vụ khác với người nhận dịch vụ (từ mầm non đến đại học). Người nhận dịch vụ là học sinh. Còn người trả tiền chính là cha mẹ. Mỗi đối tượng có một nhu cầu và đòi hỏi nhiều khi khác nhau hoàn toàn.
Học sinh mầm non thì chỉ cần ăn ngon, đủ chất, ngủ đúng giờ, khỏe mạnh, vui vẻ. Nhưng bố mẹ thì lại thích con thành thiên tài nhí, phải đọc được chữ, hát tròn miệng, sạch sẽ, thơm tho. (Trẻ con thì cần phải được chơi, được lem nhem, nhưng bố mẹ mà nhìn con nhếch nhác thế thì ba hôm là chuyển trường).
Học sinh phổ thông thì quan trọng nhất là tư duy, phát triển toàn diện, có thời gian nghỉ ngơi, đọc sách, chơi thể thao, viết tiếng Việt ổn, nói tiếng Anh rõ. Nhưng bố mẹ thì chỉ muốn con cận lòi, lưng gù, điểm toàn trên 9, béo phục phịch vì ăn quá nhiều, học từ sáng đến tối, và cứ phải là trường chuyên, lớp chọn. Sinh viên cao đẳng, đại học thì cần nhất là biết một nghề, sống và tư duy độc lập, phản biện, chủ động. Làm nhà hàng, hay khách sạn, phục vụ ở sân golf thì chỉ cần học đế 3-6 tháng là có nghề ngon, lương ổn. Làm thư ký, bán hàng thì chỉ cần học xong trung cấp hay cao đẳng là được. Nhưng bố mẹ thì cứ phải có bằng đại học để giải quyết khâu oai.
Chính vì có sự khác biệt về kỳ vọng giữa học sinh và bố mẹ nên sẽ luôn có căng thẳng giữa người cung cấp dịch vụ (người đầu tư giáo dục) và người trả tiền. Cân bằng và thỏa hiệp được quyền lợi của hai đối tượng này là một việc không hề dễ dàng.
B. Thứ hai, làm giáo dục rất khó tăng quy mô (“scale up”) nghĩa là không xây quy mô lớn được, cả về việc đào tạo giáo viên lẫn việc xây dựng cơ sở vật chất.
Giáo dục bị hạn chế đáng kể trong việc đào tạo nhân sự chất lượng cao trên quy mô lớn. Không có cách nào tăng quy mô giáo dục mà không có giáo viên cả. Cứ mở trường, trung tâm là cần đến giáo viên. Muốn chất lượng cao thì bắt buộc phải có giáo viên giỏi.
Đào tạo một tiếp viên hàng không phức tạp, nhưng cũng chỉ cần 6 tháng; đào tạo một nhân viên trong ngành du lịch nhà hàng khách sạn mất 3-6 tháng. Nhưng để đào tạo một giáo viên làm được việc, dạy được thì cần ít nhất 10 năm: 3-4 năm học đại học, 2 năm thực hành, và 4 năm trải nghiệm thì mới được coi là đủ cứng cáp để dạy.
Làm bác sĩ là nghề phức tạp nhất nhưng một bác sĩ thì có nhiều thiết bị y tế phụ trợ, với y tá, điều dưỡng hỗ trợ xung quanh. Người ta lại không ốm quanh năm suốt tháng. Nên số lượng bác sĩ cũng không cần quá nhiều như giáo viên.
Còn làm giáo dục thì người giáo viên là người cung cấp dịch vụ chính, ngoài trường là cơ sở vật chất hỗ trợ hậu cần. Vậy thì lấy đâu ra giáo viên giỏi mà tăng quy mô? Người ta không thể “copy” cảm xúc và lòng nhiệt tình cùng trí tuệ giáo viên được. Máy móc, nội dung có hay đến đâu mà không có linh hồn của người giáo viên thì cũng vô nghĩa. Do vậy, rất khó đào tạo hàng loạt giáo viên như cỗ máy được. Đó là lý do lớn tại sao rất khó để tăng quy mô giáo dục.
Sự sính Tây (thực ra là phân biệt chủng tộc ngầm) của Việt Nam cũng làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu giáo viên giỏi. Có lẽ giáo dục là ngành bảo thủ nhất khi chấp nhận nhân lực Việt Nam thay thế người nước ngoài. Đã là chất lượng cao và quốc tế là cứ phải Tây “trắng”. Trong khi đó thì không biết lấy đâu ra mấy ông bà Tây trắng mà sư phạm giỏi.
Với mức lương dành cho một bạn Tây thì chúng ta có thể mời được 3 giáo viên Việt Nam với chất lượng cao hơn nhiều. Lương một bạn Tây thường từ 40-60 triệu/tháng (để họ đủ sống và thuê nhà, cũng công bằng thôi). Nhưng nếu một giáo viên trẻ và giỏi người Việt Nam có thể nhận mức lương 15-20tr/tháng là tốt lắm rồi.
Cũng chính vì sự khác biệt giữa kỳ vọng của một bên là học sinh, và một bên là cha mẹ, làm trầm trọng thêm phần này. Học sinh thì ai dạy cũng được, miễn là hay và con thích. Nhưng bố mẹ là cứ phải Tây trắng thì mới yên tâm. Cách đây vài năm Sở GD TP HCM có chương trình thuê giáo viên Philippine dạy tiếng Anh. Thế mà bị chửi tơi bời.
Bọn tôi triển khai dạy Toán Khoa bằng tiếng Anh sử dụng công nghệ số và giáo viên Việt Nam trên cả nước nhưng triển khai cực kỳ khó khăn ban đầu vì phần lớn các Sở bị ám ảnh phải dùng Tây. Có Sở GD ĐT cho đến giờ vẫn cứ phải có Tây thì mới cho triển khai chương trình quốc tế. Cứ là phải Anh, Mỹ mới oai.
(Riêng điều này thì đặc biệt trân trọng Sở GDĐT Hà Nội là chưa bao giờ có những đòi hỏi ngớ ngẩn này).
C. Khó khăn thứ ba khi tăng quy mô giáo dục là đồng vốn luôn thiếu và chính sách đất cho giáo dục thì quá tệ nên đầu tư vào giáo dục tốn kém khủng khiếp
Phần lớn các doanh nghiệp giáo dục đều không sở hữu tài sản cố định nhiều. Ngân hàng Việt Nam thì rất ngại cho vay nếu không có tài sản cố định đảm bảo. Phần lớn chủ doanh nghiệp bỏ tiền tiết kiệm hay nhà cửa cá nhân ra để thế chấp. Để phát triển lớn thì cần vốn, nhưng tiềm lực của doanh nghiệp giáo dục Vietnam thường rất nhỏ.
Chính phủ Việt Nam lúc nào cũng nói là hỗ trợ giáo dục nhưng thực ra chưa hẳn thế. Cho dù thuế thu nhập khi đầu tư vào giáo dục là 10% nhưng tiếp cận đồng vốn đối với doanh nghiệp giáo dục nào không có bệ đỡ (vốn, quan hệ) đằng sau thì khó như hái sao trên trời.
Chính sách giao đất nhằm khuyến khích đầu tư vào giáo dục cũng làm béo những người đầu cơ ban đầu. Chính phủ cho đất làm giáo dục nhưng không đưa ra một tiêu chí để có thời hạn triển khai nhất định nên nhiều nơi đất làm giáo dục mà giá trên trời. Ở Hà Nội và HCMC, hiện có rất nhiều quỹ đất dành cho giáo dục nhưng đều đã được xí phần từ lâu bởi những người “định làm giáo dục”. Họ cứ ngâm đấy 5-10 năm mà chả làm gì. Giá đất thì cứ tăng làm chi phí đầu tư vào giáo dục tư nhân ở khối phổ thông tăng kinh hoàng. Để làm một trường tử tế cần ít nhất 1ha đất. Cứ tính giá là 5-10 triệu/m2, thì 1ha đất đã đi tong mất gần 100 tỷ.
Làm bất động sản thì còn chồng chung cư, nhồi mật độ mà bán lại vốn, chứ làm giáo dục thì đố ai dám làm. Nếu đi ra gần mạn Hồ Tây hoặc khu đô thị mới có nơi giá đất giáo dục lên tới 10-15tr/m2. Thế là những người lập dự án mà chả xây cất gì, cứ ngồi chờ 5-10 năm nghiễm nhiên có một tài sản khủng khiếp, đến hàng trăm tỉ. Trong khi đó thì hàng chục ngàn học sinh thiếu phòng học.
Đáng ra chính phủ phải cho một thời hạn nhất định để bắt nhà đầu tư phải xây, nếu không xây thì phải đấu giá lại hoặc giao lại cho ai cam kết xây trong một thời gian nhất định. Đây là một trong những bất cập tệ hại nhất về chính sách khuyến khích đầu tư giáo dục ở Việt Nam hiện giờ. “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” về đất dành cho giáo dục.
Mua một miếng đất thì đã tốn như thế. Tiền xây lên cho đúng chuẩn cũng không hề rẻ. Trung bình để xây một trường khoảng 1-2ha sẽ tốn từ 150-300 tỷ. Vậy là chưa làm gì thì đã đi mất tong 250-400 tỷ. Thử hỏi bao nhiêu năm thì hoàn vốn được?
Giả định với 30 tỷ lợi nhuận/năm, thì cần 12 năm từ lúc đạt mức lợi nhuận đó, trường mới hoàn vốn (đầu tư 300 tỷ). Với lợi nhuận 30 tỷ thì doanh thu của trường phải đạt ít nhất là 200 tỷ/năm (giả định biên lợi nhuận là 15% là mức cực tốt). Với mức doanh thu 200 tỷ/năm và học phí là 200 triệu/năm (bao gồm tất cả chi phí ăn học, xe cộ, v.v.), cần có 1,000-1,200 học sinh.
Làm cái trường có đâu như làm bất động sản, xong móng là bán được gần hết. Còn trường phổ thông hay đại học ư? Chờ nhé. Ít nhất 7-10 năm mới lên được công suất 1,000 học sinh, nếu làm siêu đẳng. Năm đầu tiên mở thì giỏi mới tuyển được 200 học sinh. Mỗi năm tăng được 100-200 học sinh nữa là xuất sắc. Chưa kể đến vị trí địa lý, chưa chắc đã đủ học sinh vào học với tháp dân số ngày càng già đi thế này. Do vậy nên mất 15 năm mới hoàn vốn. Với 200-300 tỷ mà đi mua đất hoặc bất động chắc còn lời hơn.
Ở HN có trường Alpha nổi tiếng với mô hình bố mẹ phải thi con mới được vào học. Giờ có gần 1,200 học sinh, nhưng cũng vận lộn 8 năm với bao cay đắng mới đạt được số học sinh này.
Thế cho nên các bạn đừng trách khi học phí trường tư, trường quốc tế ở Việt Nam cao ngất ngây, ngang với học phí trường tư tốt hàng đầu ở Mỹ. Vì đầu tư cơ bản tốn kinh khủng khiếp như thế đấy!
Phần 3: Đầu tư vào giáo dục không phải dành cho tay mơ – Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Phần cuối, xin chia sẻ những điểm yếu của chúng tôi, những người trót mang nghiệp làm giáo dục.
1. Nguyên nhân đầu tiên
Điểm đầu tiên, phần lớn chủ DN giáo dục chúng tôi xuất thân là nhà giáo nên chúng tôi có hai điểm yếu chí tử: a) lòng tự trọng rất cao; và b) rất nhiều người chúng tôi là tay mơ về quản lý tài chính.
Lòng tự trọng rất cao
Chính vì tự trọng nên khi khủng hoảng xảy ra, cần phải đàm phán về tiền bạc, học phí, hay giãn nợ, giảm lương, làm việc với ngân hàng, hay với phụ huynh, chúng tôi thường để lòng tự trọng và cái tôi lấn át những quyết định sáng suốt. Đáng ra nếu cần phải quyết liệt thì cứ quyết liệt; việc gì phải giận dỗi khi bị coi là “con buôn giáo dục” và phải mạnh mẽ trong chuyện quản lý dòng tiền thì chúng tôi lại không làm nổi hoặc “không đang tâm” làm. Và như thế thì không khác gì “cắt mạch máu cổ tay rồi nhúng vào bồn tắm đầy nước” tự sát từ từ trong êm ái.
Tay mơ về quản lý tài chính
Và cũng vì là tay mơ về quản lý tài chính nên nhiều khi chúng tôi chả hiểu thế nào là khấu hao, dòng tiền thu trước là nợ chứ không phải là lời, hay mặc cả quyết liệt các điểm bất lợi trong các hợp đồng thuê cơ sở vật chất.
Qua cuộc khủng hoảng vừa rồi, tôi mới thấy điều đó càng hiện rõ. Có những bạn chủ DN giáo dục kể: “em đã trót đóng tiền cho chủ cơ sở cả mấy tháng rồi, thậm chí đặt cọc cả 6 tháng, trả tiền 1 năm rồi vì em muốn yên thân”. Về nguyên tắc quản trị dòng tiền thì không ai nên đặt cọc quá 1-3 tháng và cũng không việc gì phải trả tiền 3-6 tháng một lần. Họ bảo tôi: “Nếu em không làm thế thì em không có được chỗ thuê đẹp, anh ạ.” Tôi có khuyên họ: “đáng ra như thế thì em kiên quyết không thuê chứ không bao giờ chấp nhận rủi ro lớn như thế.”
Có chủ trường lại rất tự hào trong mùa dịch mà trả đủ tiền lương cho nhân viên bằng cách vay tiền ngân hàng và không thu học phí học trực tuyến. Đối với tôi đó là một quyết định lãng mạn cực kỳ mạo hiểm. Giả dụ như dịch kéo dài vài tháng nữa, hoặc khủng hoảng dây chuyền nổ ra, thì không biết các trường ấy lúc đấy sẽ lấy đâu ra tiền nhỉ? Nếu quyết liệt về tài chính thì chắc chắn sẽ không có chuyện đó. Không trả tiền học phí thì hết năm học, phụ huynh và trường chia tay nhau. Còn nếu bố mẹ mà bị ảnh hưởng thật thì chúng tôi sẽ miễn giảm học phí luôn. Chứ cắt máu mình đi bán thì không bao giờ!
2. Nguyên nhân thứ 2
Nhiều chủ DN giáo dục chúng tôi còn có hai tính rất xấu là: a) đoàn kết yếu; và b) sợ chính quyền.
Đoàn kết yếu
Sau vụ Covid19 vừa rồi, tôi mới thấm thía sự không đoàn kết của DN giáo dục chúng tôi. Chúng tôi ích kỷ, nói xấu nhau nhiều hơn giúp đỡ nhau. Tham dự rất nhiều cuộc họp và gặp mặt với các lãnh đạo doanh nghiệp giáo dục tư nhân, từ đại học đến phổ thông, tôi phần lớn thấy chúng tôi không nể nhau, luôn vạch được cái xấu của nhau, chê nhiều hơn đoàn kết. Túm lại là chỉ có trường mình là nhất, còn của bà/ông khác thì “nhiều vấn đề lắm”, từ chương trình đến giáo viên. Thế mới lạ!
Ví dụ, một trường xảy ra một vụ khủng khoảng lớn. Đáng ra các trường khác phải thông cảm và hỗ trợ vì sự cố không ai muốn có. Đằng này, có mấy trường nào chia sẻ, cảm thông. Thay vì thế, có khi lại còn vui ngầm vì đối thủ đi xuống. Có cả 1 cái trường rất lớn vô cùng thiếu nhạy cảm, trong lúc người ta đang rối tinh lên thì đi khoe khoang là mình làm tốt hơn, vô tình hay hữu ý “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc khủng hoảng ấy. Rất là phản cảm!
Sợ chính quyền
Đợt Covid19 vừa rồi, suýt nữa các trường tư sập tiệm vì bị đóng cửa dài dài, lại không được thu học phí học trực tuyến. Ấy thế mà không có tổ chức giáo dục lớn nào dám tập hợp lại để cùng lên tiếng. Bạn giám đốc điều hành 1 trường của chúng tôi bảo: “Anh ơi, chết đến nơi rồi mà ngoài mình ra có ai dám nói gì đâu. Em liên hệ thì toàn thấy từ chối khéo. Ai cũng ngại dây với Sở và Bộ.”
Bọn tôi hè nhau ra làm được cái kiến nghị tập thể thì mãi chỉ mấy tổ chức vừa và nhỏ mới dám ký. Mấy các tập đoàn giáo dục to chả hội nào dám ký. (Có cụ lãnh đạo tập đoàn rất to còn lên khoe lúc đấy là mình làm tốt và thỉnh thoảng tỉa anh em vài phát trong lúc anh em đang ngáp ngáp cơ). Có lãnh đạo một tổ hợp giáo dục vừa mới ký thì hôm sau nằng nặc xin rút tên vì bị ông chủ kỷ luật.
Bàn đi tán lại mà mấy tập đoàn giáo dục lớn mãi không xong được cái bản kiến nghị chung cho chính quyền. Không phải vì không làm được, mà là sợ ông chính quyền mất lòng. Viết xong rồi lại cất đi. Hỏi đến thì bảo là: “Thôi, để nói trực tiếp với các anh ấy hay hơn”. Sợ các anh lãnh đạo Sở/Bộ mất lòng hơn là sợ công ty phá sản!
Trí thức mà khí phách thế thì dạy ai được nhỉ?
Tinh thần đại gia trong giáo dục
Tiếp nữa, là không thể đem tinh thần “đại gia” vào giáo dục được. Đại gia có tiền có thể làm rất nhiều thứ: buôn xe máy, làm chứng khoán, làm bất động sản, ngân hàng, làm đá, v.v đều có thể lấn sang ngành khác được. Tuy nhiên để lấn sang giáo dục thì “hãy đợi đấy”.
Anh không thể khệnh khạng cưỡi xe Mercedes, lướt vào cổng trường đại học tư do anh làm chủ, có nhân viên cúi rạp người “Chào ông chủ tịch ạ” được. Hình ảnh ấy chưa bao giờ được chấp nhận trong giáo dục. Trí thức giàu hay nghèo cũng có lòng tự trọng cao. Họ có thể không nói ra nhưng chắc chắn sẽ rất ghét. Có khi chửi thầm “thằng trọc phú” mà ông chủ không hề biết.
Chốn giáo dục nhưng lắm ông/bà chủ hành xử như một kẻ chỉ có tiền, sẵn sàng lên giọng (chưa kể là nói tục) chỉ đạo lãnh đạo trường như một đứa trẻ. Tôi đã từng chứng kiến một đại gia nổi tiếng, mang hiệu trưởng trường ĐH của mình đi họp. Đại gia ấy khi nói xong phần của mình, quay sang hất hàm hỏi hiệu trưởng của mình: “cô này cho ý kiến đi nhỉ?”.
Ở doanh nghiệp thì ông chủ hoặc tổng giám đốc là to nhất và có quyền thay đổi chiến lược công ty. Ở trường ĐH mà quyết liệt thế thì có khi giảng viên nghỉ sạch. Điều hành một ĐH tư với phong cách độc tài thì trước sau trường ấy cũng đi xuống. Tháp ngà là nơi tập hợp những cái tôi lớn, dễ tổn thương, lại chẳng phải lúc nào cũng vì tiền. Nếu không bỏ được cái tôi “ông/bà chủ” để làm việc với họ thì đừng mơ làm giáo dục.
Tuy nhiên, có nhiều đại gia vì yêu thích và muốn làm giáo dục nên mời các hiệu trưởng trường công về làm và khoán trắng cho các vị đó. Điều này cũng tai hại vô cùng.
Các hiệu trưởng trường công, đặc biệt là trường có tiếng, hiếm khi phải đi hàng trăm km rong ruổi trên đường tuyển sinh; hiếm khi phải đứng nói trước hàng ngàn học sinh để giới thiệu về trường mình và “nuối cái tôi” mời đăng ký học; hiếm khi phải chịu áp lực lãi lỗ; và có khi cũng không quen đọc báo cáo tài chính làm gì; chả bao giờ phải cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt; và cũng hiếm khi nhẫn nhịn hạ mình tuyển nhân tài; Những điều khó khăn ấy họ chưa từng phải trải qua. Giờ bắt họ làm tất thì khó cho họ quá!
Còn có khá nhiều trí thức lớn vì yêu giáo dục muốn thay đổi giáo dục nên họp với nhau làm một cái trường ĐH với ước vọng chấn hưng dân trí. Nhưng các cụ quên béng mất là Việt Nam không giống Mỹ nên không ai đi bỏ tiền tài trợ một cái trường ĐH tư của người khác cả, kể cả là phi lợi nhuận. Các cụ có thể xin xong giấy phép, mở nổi trường ban đầu nhưng loay hoay suốt bao năm không xây nên nổi cái trường, cũng không huy động nổi vốn để phát triển.
Cuối cùng Hội đồng quản trị toàn những cụ 70 tuổi ngồi với nhau, so kè câu chữ trong văn bản. Đến lúc bảo chuyển cho người khác đầu tư thì nhiều cụ “ăn mày dĩ vãng”, ôm mãi giấy phép. Rõ là:
”Củi mục bà để gầm giường
Đứa nào động đến: trầm hương của bà”.
Lời kết
Tóm lại, làm giáo dục không phải dành cho tay mơ. Đầu tư ban đầu rất lớn, với chính sách hiện giờ chỉ béo đội sở hữu bất động sản, tích đất. Xã hội chưa đủ rộng lượng, tôn trọng và sẵn sàng vùi dập người làm giáo dục. Sự tuỳ tiện và nặng định tính của chính sách làm cho đầu tư giáo dục rất khó khăn. Bản thân người đầu tư vào giáo dục tư nhân yếu cả vốn, kiến thức điều hành doanh nghiệp, lẫn sự đoàn kết, lại sợ chính quyền hơn sợ cọp. Đầu tư tư nhân vào giáo dục mới chỉ bắt đầu. Đường còn xa lắm! Chị em và anh em giáo dục đoàn kết nào!
Thôi thì:
“Đã mang nghiệp giáo vào thân
Thì đừng có trách Sở gần, Bộ xa
Thành công không phải vì ta
Chữ may kia mới bằng ba chữ tài”
(Lẩy Kiều)
HẾT.
(Viết nốt nhân ngày Giáo dục quốc tế 24 tháng 01 hàng năm)
Tác giả: Toan Nguyen – CEO & Founder Equest Education Group