Bí Mật Thị Trường Bia Việt 2023: Heineken Lập Kỷ Lục Doanh Thu, Sabeco và Habeco Sụt Giảm

0
24
Bí Mật Thị Trường Bia Việt 2023: Heineken Lập Kỷ Lục Doanh Thu, Sabeco và Habeco Sụt Giảm

Sụt giảm doanh thu ngành bia Việt Nam năm 2023 khiến cho Heineken và các doanh nghiệp khác gặp khó khăn, khi lượng tiêu thụ giảm mạnh.

Theo một báo cáo của Vietdata, tính đến năm 2022, mức tiêu thụ bia của Việt Nam đang ở 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới. Từ kết quả này, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ ba Châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ bia. Tuy nhiên mức tiêu thụ trên khó có thể được duy trì trong năm 2023, khi không còn cảnh mua bán nhộn nhịp như năm trước, hay tình trạng khan hàng, sốt giá mỗi dịp lễ Tết, ngành bia đang chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có.

Ngay cả những người trong ngành bia cũng đã nhìn thấy được những khó khăn đó. Giám đốc Điều hành Heineken, ông Dolf van den Brink, cho biết đang trải qua sự suy giảm 5,6% lượng bán bia trong nửa đầu năm 2023, bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam – một trong những thị trường lớn nhất của Heineken. “Chúng tôi đang phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế mạnh mẽ tại thị trường quan trọng của chúng tôi, đó là Việt Nam”, ông Dolf nói.

bia 4 1704115073

Ngành bia Việt đang chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có.
Nguồn: Người Lao Động

Phía Carlsberg, đại diện là ông Cees’t Hart, cũng nhấn mạnh thị trường bia Việt Nam giảm 6% trong quý II do suy thoái kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội Nước giải khát Bia Rượu Việt Nam thì cho biết : “Ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Doanh số bán bia giảm 10-20% và giá nguyên vật liệu tăng đến 50%. Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ trì hoãn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống”.

Theo Vietdata, nguyên nhân chủ yếu đến từ kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn khiến sức mua giảm. Ngoài ra, Nhà nước cũng đang siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông khiến việc tiêu thụ cũng giảm theo. Các doanh nghiệp sản xuất bia cũng đang phải gồng mình trước tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng.

Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn của Đông Nam Á, thu hút sự tham gia của khá nhiều đơn vị, cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thị trường có tính tập trung rất cao với đa số thị phần nằm trong tay 4 thương hiệu lớn là Sabeco, Habeco, Heineken và Carlsberg. Trong đó, Sabeco và Habeco là hai ông lớn lâu đời trên thị trường bia Việt Nam và đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

bia 1 1704115229

Heineken – Doanh nghiệp bia lãi lớn nhất tại Việt Nam

Không phải Sabeco – “con gà đẻ trứng vàng” của người Thái, cũng không phải Habeco nổi tiếng với thương hiệu Bia hơi Hà Nội được người dân miền bắc ưa chuộng, mà Heineken mới là doanh nghiệp bia lãi lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2022, dữ liệu của Vietdata cho thấy công ty TNHH Nhà Máy bia Heineken Việt Nam (công ty mẹ của Heineken Việt Nam) đã xác lập mức doanh thu kỷ lục khi đạt 36.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD). Con số này cũng tăng 50% so với năm 2021.

Về lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Heineken Việt Nam đạt gần 9.000 tỷ đồng trong năm 2020, sang 2021 giảm gần 30% và tăng hơn 60% vào năm 2022 ở mức khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận của riêng công ty mẹ Heineken Việt Nam bằng tất cả các doanh nghiệp khác cộng lại.

bia 2 1704115251

Về Heineken Việt Nam, đây doanh nghiệp là liên doanh giữa Heineken và tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA). Hãng bia này đã có lịch sử 30 năm tại Việt Nam. Theo giới thiệu của doanh nghiệp, từ nhà máy đầu tiên tại TP.HCM năm 1991, đến nay Heineken Việt Nam đã có 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên trên khắp Việt Nam cũng như đang tạo ra 152.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Tại Việt Nam, Heineken Việt Nam đang phân phối các loại bia như Tiger, Heineken, Bia Việt, Strongbow hay Larue.

Sabeco và Habeco – Hai biểu tượng một thời “lép vế” trước Heineken

Trong quá khứ, Sabeco và Habeco đã từng là hai biểu tượng của ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại Sabeco đã thuộc về tay những người Thái Lan, còn Habeco vẫn là một doanh nghiệp nội xịn. Hai thương hiệu này đang gặp phải những đối thủ cạnh tranh nặng ký như Heineken, Carlberg… và đang đánh mất dần thị phần của mình.

Sabeco hiện đang tập trung vào phân khúc cận cao cấp, còn Habeco phần nào thì lại đang chiếm lĩnh phân khúc giá rẻ, vừa túi tiền nhiều người. Kể từ khi được đại gia Thái Lan thâu tóm, trừ hai năm dịch thì Sabeco đã liên tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng và đạt mức lãi kỷ lục trong năm 2022 là 5.500 tỷ đồng. Trong khi đó, qua rất nhiều năm Habeco vẫn đang chỉ có mức lãi vài trăm tỷ và bị Sabeco hay Heineken bỏ xa trên đường đua lợi nhuận.

Tuy nhiên, trước những khó khăn của ngành bia đã được nêu ở trên thì cả Sabeco và Habeco đều ghi nhận kết quả sụt giảm trong năm nay.

bia 3 1704115267

Một trong những ông lớn nổi bật trên thị trường bia Việt Nam phải kể đến cả Carlsberg. Carlsberg là một trong những công ty đa quốc gia Đan Mạch đầu tiên vào Việt Nam và đầu tư lần đầu vào năm 1993. Trong 20 năm đầu tiên, Carlsberg điều hành hoạt động tại Việt Nam thông qua Carlsberg Đông Dương. Năm 2013, công ty Carlsberg Việt Nam hoàn chỉnh được thiết lập bao gồm công ty kinh doanh và nhà máy sản xuất tọa lạc tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Carlsberg có một nhà máy tại Việt Nam được đặt tại Huế với công suất đạt đến 360 triệu lít/năm. Các sản phẩm của Carlsberg Việt Nam bao gồm: Carlsberg, 1664 Blanc, Huda.

Thương hiệu có doanh thu thuần tăng trưởng qua các năm. Theo đó, năm 2020 công ty mẹ Carlsberg Việt Nam đạt khoảng 3.000 nghìn tỷ, tăng hơn 5% năm 2021 và sang 2022 tăng gần 40%. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế có chiều hướng ngược lại. Cụ thể, lợi nhuận công ty mẹ Carlsberg Việt Nam giảm gần 8% năm 2021 và giảm mạnh hơn 60% trong năm kế tiếp và đạt khoảng 90 tỷ đồng.

bia 5 1704115287

Nguồn: Báo Đầu tư

Vẫn có những doanh nghiệp báo lỗ

Tuy vậy, không phải công ty nào trong ngành bia cũng có lãi. Trong đó, có thể kể đến hai thương hiệu là Sabibeco và AB Inbev khi lỗ lần lượt 17 tỷ đồng và 170 tỷ đồng.

Cụ thể, AB Inbev thuộc sở hữu của Công ty TNHH Anheuser-Busch Inbev và đã có hơn 7 năm thành lập ở Việt Nam. Là thành viên của 1 tập đoàn bia đa quốc gia có trụ sở tại Bỉ. Sở hữu hơn 500 nhãn hiệu bia phủ sóng khắp 150 quốc gia. Trong đó, nhãn hiệu nổi tiếng đã có mặt tại Việt Nam như: Budweiser, Corona và Stella Artois. Nhà máy sản xuất có công suất lên đến 100 triệu lít bia mỗi năm và được đặt tại Bình Dương. Công ty mẹ của AB Inbev Việt Nam đã lỗ trong 3 năm liên tiếp từ 2020 đến 2022.

Còn về Sabibeco, doanh nghiệp này được thành lập năm 2005, thuộc sở hữu của Công ty CP tập đoàn bia Sài Gòn Bình Tây. Có 6 nhà máy bia với tổng quy mô sản xuất lên đến hơn 600 triệu lít/năm. Sản xuất dòng sản phẩm chính với tên gọi Sagota.

Trọng Hiếu
Nguồn CafeBiz

https://www.brandsvietnam.com/24004-Thi-truong-bia-Viet-nam-2023-Heineken-dat-doanh-thu-ky-luc-Sabeco-va-Habeco-ghi-nhan-ket-qua-sut-giam

CHIA SẺ

Gõ câu hỏi / ý kiến của bạn dưới đây nhé