Bí quyết thành công khi làm việc với sếp người Pháp: Chủ nghĩa chuyên nghiệp

0
38
Bí quyết thành công khi làm việc với sếp người Pháp: Chủ nghĩa chuyên nghiệp

Chủ nghĩa chuyên nghiệp trong văn hóa làm việc với sếp người Pháp: ông Luc Mandret chia sẻ về cách thức làm việc trong ngành Quảng cáo & Truyền thông tại Paris, đất nước của sự sang trọng và đức tính chính xác.

Hôm nay, Brands Vietnam sẽ tìm hiểu câu chuyện về văn hóa làm việc dưới góc nhìn quản lý trong ngành Quảng cáo & Truyền thông tại Kinh đô ánh sáng – Paris, qua những chia sẻ từ ông Luc Mandret.

Về Luc Mandret: Có thể nói, Luc là một “Emily in Paris” phiên bản đời thực của Việt Nam, khi ông được luân chuyển công tác đến Cambodia và sau đó là Việt Nam để tiếp quản công việc tại khu vực.

a42 stst 3 1 1709715313

Ông Luc Mandret – Group Marketing & Communication Director của tập đoàn Archetype.

Luc từng đảm nhận vị trí General Manager của MSL Vietnam, Country Head của MediaDonuts, và hiện tại đã “gội đầu” thành công khi chuyển sang lĩnh vực xây dựng và thiết kế với vị trí Group Marketing & Communication Director của tập đoàn Archetype – một công việc mà anh khá hài lòng. Bên cạnh công việc, điều khiến Luc muốn tiếp tục ở lại Việt Nam chính là năng lượng, tư duy, văn hóa, con người và ẩm thực ở đây. Luc được bạn bè biết đến như food-reviewer uy tín của Sài Gòn, bởi anh biết nhiều hàng quán còn hơn cả các đồng nghiệp người Việt.

Đầu năm 2024, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về việc công nhân Pháp đang biểu tình vì quyền lợi của mình. Điều này xuất phát từ tinh thần và lịch sử của Pháp: đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động, quy định nghiêm ngặt về luật đối với người lao động. Đây cũng là một biểu hiện cho một tinh thần rất đặc trưng của người Pháp trong công việc: Chủ nghĩa chuyên nghiệp (Professionalism).

Dù rằng, khi đi làm ở đâu thì yếu tố chuyên nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên Pháp đã có một di sản lâu đời về tinh thần này, xuyên suốt lịch sử của họ. Thế nên, khi tìm hiểu sâu, ta sẽ thấy sự “Professionnalisme” khắt khe hơn so với “Sự chuyên nghiệp” mà ta thường thấy, đặc trưng nhất ở hai yếu tố: Tính chuyên môn hóa cao và sự bảo thủ.

Đề cao kiến thức chuyên môn

Professionnalisme của người Pháp không chỉ đề cao kiến thức, mà còn là sự chuyên môn của một cá nhân trong một ngành hàng nào đó. Trong các công ty quảng cáo, những người làm quản lý trước tiên sẽ nhìn vào sự am hiểu chuyên sâu và các mối quan hệ của nhân viên trong một ngành cụ thể, ví dụ như xe hơi, mỹ phẩm, B2B, năng lượng… Những người có thâm niên cao càng phải có nhiều năm tập trung làm cho một ngành hàng, thể hiện được hiểu biết của mình không chỉ về sản phẩm và khách hàng, mà còn là các đối thủ, các quy định pháp luật, tổng quan thị trường. Họ phải đưa ra những insights và các đề xuất có ích cho khách hàng của mình.

a42 stst 3 4 1709717843

Professionnalisme của người Pháp không chỉ đề cao kiến thức, mà còn là sự chuyên môn của một cá nhân trong một ngành hàng nào đó.
Nguồn: Getty Images

Không chỉ tập trung cho một ngành hàng, nhân viên còn được kỳ vọng thành thạo một kỹ năng cụ thể, thay vì phải có nhiều kỹ năng. Nói cách khác, scope of works của một người không cần phải dài, kể cả khi thâm niên tăng lên. Chẳng hạn như một PR consultant chuyên giải quyết các vấn đề PR doanh nghiệp chỉ làm các công việc liên quan đến hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp và khủng hoảng truyền thông, họ sẽ từ chối thực hiện các công việc khác của PR như tổ chức B2C Event hoặc quản lý B2C PR, thậm chí đó là các yêu cầu từ cấp trên. Đây là một chuyện rất bình thường.

Khác với văn hóa Châu Á chú trọng chuyện “nể mặt, nể mũi” hay “dĩ hòa vi quý”, người Pháp tuân thủ chủ nghĩa chuyên nghiệp.

Tất nhiên, vẫn sẽ có những người có tham vọng lớn hơn, chủ động đề xuất với sếp để được làm nhiều việc hơn, và có được nhiều kỹ năng và kiến thức hơn. Một người non kinh nghiệm khi có nhiều kiến thức, vẫn hoàn toàn có thể đưa ra ý kiến của mình đối với các sếp cao hơn – người mà nhiều năm chỉ thực hiện một ngành hàng, một công việc cụ thể. Người Pháp sẽ không dựa trên thâm niên mà đánh giá sức nặng của một ý kiến từ một nhân viên.

Có một câu chuyện thú vị, Luc đã từng khá ngạc nhiên và không hiểu vì sao Agency ở Việt Nam lại có nhiều cấp bậc như thế. Ở Pháp, có khá ít cấp bậc: đa phần các nhân viên mới vào ngành sẽ là Consultant, sau đó sẽ lên vị trí Senior, và tiếp đến là Director, sẽ không có các cấp bậc được ghi thêm chữ Executive, Associate xen vào giữa các cấp bậc dày đặc.

Mang tinh thần bảo thủ

Nhìn chung, người Pháp sẽ bảo thủ hơn so với mặt bằng chung người Việt. Tuy nhiên, điều đó làm cho các nhân viên ở các công ty quảng cáo có xu hướng gắn bó lâu hơn với một công ty. Điều này khác với các nước Châu Á, nơi mà nhân viên thường trung thành với một vị sếp nào đó, và thành ra sẽ trung thành với một công ty (dù vậy, nhân sự Agency ở Việt Nam vẫn có văn hóa nhảy việc nhiều).

a42 stst 3 2 1709717959

Nhìn chung, các quản lý người Pháp kỳ vọng rằng nhân sự sẽ cam kết làm việc lâu năm, và họ cũng sẽ có những cách để giữ nhân sự lại.
Nguồn: Pexels

Ở Pháp, sự trung thành của một cá nhân với một công ty mang tính thực dụng hơn, họ phải cảm thấy công ty đó tốt. Trên thực tế, người Pháp rất ít nhảy việc, và chỉ đổi jobs sau nhiều năm làm. Tạm bỏ qua yếu tố bảo thủ và truyền thống của người Pháp, ta sẽ bàn luận cụ thể hơn về việc các nhà quản lý nhìn nhận nhân sự hay nhảy việc sau 1-2 năm, và cách họ giữ lại các tài năng cho phòng ban hoặc công ty của mình.

Nhìn chung, các quản lý người Pháp kỳ vọng rằng nhân sự sẽ cam kết làm việc lâu năm, và họ cũng sẽ có những cách để giữ nhân sự lại. Quả thực, nếu một ứng viên nào đó có CV với thâm niên tại một công ty không quá 2 năm sẽ bị đánh trượt bởi họ đã không thể hiện được khả năng cam kết của mình với công ty.

Hiển nhiên, trong vai trò của một người quản lý, họ rất coi trọng chuyện giữ nhân sự ở lại công ty, bằng các cách như trao đổi thẳng thắng về vấn đề lương thưởng, thay đổi về cách quản lý, hoặc các nhu cầu cá nhân, chẳng hạn như một chiếc ghế thoải mái hơn cho những người đau cột sống. Một phần vì đó là cách quản lý của riêng họ, một phần vì luật bảo vệ quyền lợi người lao động ở Pháp rất nghiêm ngặt, và các tổ chức công đoàn làm việc rất tích cực để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhân viên.

Theo câu chuyện của Luc, các công ty quảng cáo lớn ở Pháp đã lên sàn chứng khoán còn tặng một số ít cổ phần của công ty cho nhân sự lâu năm, để gia tăng sự gắn kết của hai phía.

Hạn chế meeting để tăng hiệu quả công việc

Bạn có thể ngạc nhiên nếu biết rằng một anh sếp người Pháp tự mình đi họp với khách hàng, tự ghi meeting recap, và sau đó gửi email truyền đạt lại cho cả team sau. Quả thực, chúng ta đã quen với việc Agency đi họp sẽ thường kéo cả một đội ngũ các phòng ban và có thể là có cả các cấp bậc khác nhau đi cùng.

Ở Pháp, Luc thường tự mình đi họp, để các nhân sự khác không phải tốn thời gian đi họp, mà có thể ở công ty tập trung cho các công việc khác. Cuối tháng, các quản lý sẽ phải làm một báo cáo về tổng số thời gian nhân sự phải đi họp với khách hàng của từng dự án, nhằm kiểm soát lượng thời gian một nhân sự dành cho một dự án có vượt dự trù và báo giá ban đầu hay không, để đảm bảo tối ưu hóa lợi nhuận cho agency. Như vậy, các nhân sự sẽ được các sếp của mình tạo điều kiện để có thể hoàn thành tốt công việc trong quãng thời gian ngắn nhất có thể.

a42 stst 3 5 1709718389

Ở Pháp, Luc thường tự mình đi họp, để các nhân sự khác không phải tốn thời gian đi họp, mà có thể ở công ty tập trung cho các công việc khác.
Nguồn: Pexels

Chốt lại: Làm sao để hài lòng một người sếp Pháp?

Câu trả lời là: Đừng cố gắng làm hài lòng họ.

Khác với văn hóa Châu Á chú trọng chuyện “nể mặt, nể mũi” hoặc “dĩ hòa vi quý” từ đời sống cho tới môi trường văn phòng, người Pháp tuân thủ theo nguyên tắc gọi là chủ nghĩa chuyên nghiệp. Nếu bạn muốn làm hài lòng các vị sếp người Pháp, hãy thực hiện tốt công việc của mình, đừng ngại trao đổi thẳng thắng và chia sẻ dựa trên các quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên. Miễn là bạn đúng, bạn sẽ được lắng nghe và ghi nhận, chứ không phải bị gọi là “hỗn” với sếp của mình.

Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể tạo ấn tượng với họ bằng cách xin làm thêm các đầu công việc mới khi bạn đã sẵn sàng. Việc có một tinh thần sẵn sàng làm mọi thứ mới và phát triển cùng với công ty chắc chắn sẽ làm họ hứng thú và hài lòng.

Oscar Le
* Nguồn: Brands Vietnam

https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/339089-Sep-Tay-Sep-Ta-3-Sep-nguoi-Phap-va-chu-nghia-chuyen-nghiep

CHIA SẺ

Gõ câu hỏi / ý kiến của bạn dưới đây nhé