(CMOVietnam) Nếu như bạn đang kinh doanh hoặc có ý định kinh doanh trong ngành FnB, đang chi tiền cho quảng cáo và xót xa thì tiền thì ra đi mà khách thì không thấy đến.
(Bài áp dụng được đa ngành)
Bài viết này là dành cho bạn. Hãy đọc hết bài viết này, bạn sẽ tìm được giải pháp của riêng mình.
Bài viết này tuy tui viết cho cụ thể ngành FnB nhưng nguyên lý và cách thức hoàn toàn có thể áp dụng được cho các ngành không đặc thù khác.
(Dành cho những anh chị em đa ngành đã tin tưởng inbox hỏi tui nhiều ngày qua)
Tui là Thông Phan, và tiếp tục chuỗi series chia sẻ kinh doanh trong ngành FnB. Trong bài sẽ đề cập đến nhiều khái niệm như trải nghiệm khách hàng, điểm chạm,…
Mọi người có thể đọc lại những bài chia sẻ trước ở tường cá nhân của tui nhé.
Như vậy mới hiểu sâu được, còn hiểu hời hợt là không làm được đâu.
Thực tế thị trường
Các anh chị em cứ hình dung, việc chúng ta đang kinh doanh cũng giống như những con cá đang bơi tứ phương trong biển lớn để kiếm ăn, sinh tồn.
Vậy muốn tồn tại và lớn hơn, chúng ta buộc phải biết môi trường xung quanh chúng ta đang có gì, thế nào đúng không?
Có như vậy mới biết chỗ nào nước ấm sống tốt, không có kẻ thù, có nhiều thức ăn mà phát triển được. Đúng chưa?
Nhiều anh chị em cứ thấy người ta làm cái gì, rồi sợ hãi làm theo là không ổn. Làm kiểu đó chỉ có đường chết thôi. Mình kinh doanh rồi, phải hiểu lúc nào nên làm cái gì chứ không theo đám đông vậy được.
Vậy thị trường hiện tại đang như thế nào?
Có rất nhiều đối thủ
Có rất nhiều cá giống như chúng ta, cùng nhau săn 1 loại thức ăn. Vậy càng làm giống người khác bao nhiêu, chúng ta càng dễ chết bấy nhiêu.
Tương tự như thế, khi bạn làm gì đó tốt chắc chắn cũng lập tức bị copy. Càng nhiều người copy, cách làm đó càng kém hiệu quả dần đi.
Có quá nhiều thông tin
Trong một đại dương đỏ thì kẻ buôn vũ khí và đào tạo là hốt bạc nhất. Ở đây những Agency quảng cáo, chụp hình, thiết kế, bán tool, cũng như thế.
Bạn không thể sống sót nếu thiếu những đối tác này nhưng vấn đề là cần chọn đúng và làm đúng, và hiểu vì sao mình làm.
Không phải ai đến chào gì cũng muốn thử muốn làm cả.
Có quá nhiều biến động
Thói quen khách hàng đang thay đổi, mối quan tâm thay đổi. Sự chuyển dịch từ ăn tại chỗ lên mua về, gọi ship. Kênh thông tin thay đổi từ báo chí, sang mạng xã hội. Nhóm trẻ còn thêm Instagram, Tiktok.
Nếu khách hàng đang nằm trong nhóm này, mình không hiểu được và nắm được là mình chết.
Vậy cần làm gì?
Không cần làm nhiều, chúng ta cần làm ít, nhưng hiệu quả và quan trọng nhất là khó bị COPY.
Với những thứ bạn đã đang làm, tăng thêm độ sâu của nó để khiến người khác khó bắt chước theo.
Tại sao phải làm Event
Khách hàng của bạn, mỗi ngày bị tấn công new feed dày đặc. Chỉ cần tương tác hay nhắn tin với 1 page chè ăn vặt, lập tức ít sau sẽ ngập tràn quảng cáo về chè. Nhà hàng, hay quán bia cũng thế.
Thuật toán AI của FB làm tốt chuyện đó đến nỗi, nếu người khác biết cách thể hiện sản phẩm họ tốt hơn (còn tốt hơn thật không KH không biết vì họ đều chưa thử) thì coi như mình mất khách.
Vậy để giải bài toán này, chúng ta cần sự NỔI BẬT. Một sự khác biệt mà khi họ nhìn thấy, lập tức bị ấn tượng.
“Ồ, cái gì đây nhỉ? Có vẻ vui. Thử xem”
Lời giải tốt nhất chính là sự kiện Offline. Sự kiện sẽ tạo ra cho bạn một lợi thế về trải nghiệm khách hàng và điểm chạm. Thứ giúp bạn vượt trội hơn các đối thủ khác cùng sản phẩm.
(Đọc lại bài Điểm Chạm trải nghiệm tui đã chia sẻ trước)
Còn một yếu tố quan trọng nữa là bạn sẽ tránh được bị copy rất nhiều.
Bởi vì cho dù đầu tư cho content, hình ảnh tuyệt vời cỡ nào, đối thủ của bạn cũng hoàn toàn có thể Copy được. Nhưng việc tổ chức sự kiện thì lại hoàn toàn khác, nhiều bước hơn, cần nhiều nguồn lực hơn và cũng rủi ro hơn, mất công hơn.
Nên nhớ những người có quan điểm ăn cắp, copy đa phần là những người lười, muốn ăn sẵn nên cái gì mà mất công, phải làm đủ thứ thì nó không làm đâu. Kiếm cái khác dễ hơn, nhanh hơn làm. Nên bạn sẽ giảm thiểu được cái này.
Còn nếu người ta đã chủ ý, theo dõi và phân tích bạn rồi thì cũng khỏi giấu. Kiểu gì cũng sẽ bị copy thôi. Nhưng làm sự kiện này thì copy cũng mất nhiều ngày chứ không như content chỉ trong 15′ là bị sao chép.
Thời gian đó đủ để bạn tạo được lợi thế và tiếp tục đi trước, làm thêm nhiều sự kiện nữa.
Và quan trọng, Event giúp bạn tăng trải nghiệm khách hàng lên tối đa.
Trong những năm làm FnB, tui chả thấy cái phương thức nào làm KH nhớ mình, chú ý đến mình và dễ làm bằng cái sự kiện cả.
Ở Event offline bạn có thể tạo rất rất nhiều điểm chạm khiến khách hàng ấn tượng sâu đậm về bạn, buộc phải kể cho bạn bè nghe về bạn và khả năng họ quay trở lại, dẫn bạn bè quay trở lại là cực kỳ cao.
Khách hàng là con người, mà con người thì sau tất cả chỉ nhớ những cảm xúc họ đã trải qua thôi. Muốn thắng lâu dài thì phải tạo được cảm xúc cho khách hàng của mình.
Tuyệt, nói hay quá. Quá hợp lý luôn rồi. Nhưng câu quan trọng là…
Làm Event như thế nào?
Làm Event theo như tui đang chia sẻ không gói gọn ở trong việc tổ chức 1 cái game gì đó cho người ta chơi, mà nó bao hàm những hoạt động khác trong chiến dịch.
Cụ thể là gì?
- Đầu tiên, bạn cần tạo ra câu chuyện, một câu chuyện hấp dẫn có thể khiến khách hàng chú ý.
- Sau, bạn cần làm mang cây chuyện đó ra hiện thực. Đây là bước làm sự kiện mọi người đang nghĩ.
- Tiếp, lan tỏa nó đến với khách hàng của bạn.
- Cuối cùng, để khách hàng chia sẻ tiếp đến bạn bè họ, những khách hàng tiềm năng tương lai.
Bước 1: Tạo ra câu chuyện.
Phần này là phần quan trọng nhất, hơn thua nhau ở chỗ ý tưởng.
Nguyên lý của phần tạo ra câu chuyện chính là hiểu rõ khách hàng của bạn. Biết họ thích gì, ghét gì, đang quan tâm cái gì thì sẽ rất hót.
Ví dụ ở trong buổi Workshop tại Hà Nội hôm trước, tui có demo 1 case là quán cà phê cờ tướng.
Đó là case về một quán cà phê bình thường, đang muốn tìm sự nổi bật và khác biệt.
- Vị trí của quán nằm ở vị trí không quá nổi bật và trung tâm.
- Khách hàng đến quán chủ yếu là khách trung niên
- Giá bình thường, không đắt không rẻ
- Chất lượng bình thường, không có sản phẩm key.
Tui đã thảo luận cùng mọi người và đặt ra giả định về sở thích của nhóm khách hàng trung niên, có thói quen uống cà phê ở đó là họ thích chơi cờ tướng. Do đó tui đã chọn keywords “cờ tướng” làm điểm thu hút và tạo câu chuyện cho nó.
Tức là mọi thứ mình làm trong đó sẽ đậm chất cờ tướng. Mình hiểu khách hàng mình là người thích cờ tướng.
Vậy câu chuyện mình có thể nghĩ loanh quanh keywords chính là “cờ tướng”.
Thế thì sẽ có giải cờ tướng, cờ thế, cờ mù, chơi cùng kỳ thủ…kiểu kiểu vậy.
Lúc này bạn hoàn toàn có thể chọn ra cái bạn “cảm thấy’ khả thi nhất. Dựa vào việc hiểu khách hàng, năng lực triển khai của bạn.
Oke, tui sẽ chọn câu chuyện về cờ thế.
Nhưng thế vẫn chưa hấp dẫn, một quán cà phê có nhiều cờ thế, chả đủ hấp dẫn. Nó cần mạnh hơn.
Tui sẽ nâng tầm nó lên. Quán cà phê có thử thách giải được cờ thế thì sẽ được tặng 1.000.000đ và miễn phí hoàn toàn hóa đơn.
Có vẻ khả quan hơn rồi, những ai thích chơi cờ có lẽ sẽ ghé thăm đấy.
Và chắc chắn sẽ có các lão làng trong chơi cờ ăn tiền, giải cờ thế, hội cờ tướng ghé thăm. Lúc đó nhất định phải nắm bắt khoảng khắc chộp lấy hình ảnh để tạo hiệu ứng lan truyền ở bước sau.
Một số ý tưởng khác có thể nghĩ đến thường thấy trong ngành sẽ là:
- Thách thức: Nếu bạn dám/có thể làm được, thì quán sẽ….
- Cuộc thi: Nếu bạn là số 1 trong số những người… thì quán sẽ…
- Thử sức: Chỉ cần bạn đạt được 1 điểm số…trong trò chơi của quán… bạn sẽ…
- Và vài ý tưởng khác nhưng thường thì sẽ xoay quanh những hướng làm này.
Ví dụ:
- Nếu ăn hết tô phở khổng lồ bạn được miễn phí và tặng 1.000.000đ
- Nếu đi lọt khe song sắt bạn được giảm giá hoặc miễn phí.
- Nếu bạn dám hôn người yêu tại chỗ free luôn 100%
Các anh chị em nhà mình có thể search thêm, kiểu này nhiều bên họ đã làm và hiệu ứng đều rất tốt.
Kết thúc bước này:
Bạn đã có ý tưởng để tạo ra câu chuyện của mình.
Nhớ là câu chuyện này phải xuất phát từ khách hàng của bạn nhé. Còn không thì toang là chắc.
(Kinh nghiệm đau thương đã bị nhiều lần mới ngộ ra được huhu)
Bước 2: Biến câu chuyện thành sự kiện thật
Ở bước này…
Tui định viết tiếp nhưng thấy bài khá là dài rồi, anh chị em theo dõi đọc tiếp có lẽ sẽ ngộ độc chữ mất. Vậy nên tui tạm dừng phần 1 của bài “Kinh doanh FnB: ĐỪNG CHI TIỀN QUẢNG CÁO NẾU KHÔNG LÀM EVENT” tại đây, dù rằng phần 2 mới là phần quan trọng mang lại tiền và là phần mà rất nhiều người dù biết vẫn chưa làm tốt vì làm sai cách.
Viết bài cũng như làm truyền thông vậy á, mình phải đặt trải nghiệm lên trên hết. Muốn viết nữa nhưng nhiều quá sợ các anh chị em mệt nè, mỏi mắt nè, không tiếp nhận được đủ hết nè…
Nếu như cả nhà thích bài viết này và mong chờ bài viết sau, hãy để lại bình luận nhé. Tui sẽ viết luôn nếu thấy hót quá.
(Hehe, lâu lâu phải làm giá xíu)
Tui đã bỏ sức bỏ tâm huyết chia sẻ, anh chị em cũng đừng tiếc bỏ ra 5 giây để bình luận, tương tác và follow tui nhé. Đó chính là động lực và niềm vui để tui chia sẻ không mệt mỏi đó.
===
Kinh Doanh FnB: ĐỪNG QUẢNG CÁO NẾU KHÔNG LÀM EVENT (P2)
(Tư vấn MIỄN PHÍ cuối bài)
Nếu bạn đang kinh doanh trong ngành FnB và đau đầu khổ sở vì phải chi quá nhiều cho quảng cáo nhưng không hiệu quả. Hãy đọc hết bài viết này, bạn sẽ ngưng ném tiền qua cửa lập tức.
Dù quán bạn có là nhà hàng, quán cà phê, trà chanh hay hàng ăn. Bạn đều có thể áp dụng phương pháp này. Quy mô nào mình cũng làm được hết á. Hen.
(Bài dài, hãy đọc khi có 15′ rảnh liên tục)
Yayyyy, vậy là tui lại gặp lại cả nhà trong phần 2 của bài chia sẻ cách làm truyền thông tiết kiệm, tối ưu nhưng mang lại hiệu quả kinh khủng.
Đây là phần 2 Thông Phan viết, nên nếu như anh chị em nào bỏ lỡ phần 1 thì đừng đọc ngay bài này mà hãy đọc lại phần 1 ở trên tường cá nhân của tui nhé. Chứ đọc giữa chừng vầy không hiểu sâu được, không thể nào làm đến nơi đến chốn được đâu.
Thời gian quảng cáo đã hết, chúng ta vào bài thôi.
Ở phần trước, tui có chia sẻ các anh chị em 4 bước cần phải làm để bao vây khách hàng của mình. Nếu các anh chị em còn nhớ thì đó là:
- Tạo ra câu chuyện, tức ý tưởng của cả chiến dịch. (Phần 1 tui nó về cái này)
- Biến câu chuyện thành hiện thực, tức là tạo ra event tại chỗ bán.
- Lan tỏa câu chuyện đó đi càng nhiều càng tốt, tức là phủ thông tin câu chuyện.
- Kêu gọi khách hàng chia sẻ, tức là tận dụng kênh miễn phí để tối ưu hiệu quả.
Và phần 1 chúng ta đã dừng lại ở bước có ý tưởng và câu chuyện rồi. Ở bước tiếp theo chúng ta cần hiện thực hóa nó, biến nó thành 1 thứ có thật, đáng tin, đáng thử và đáng trải nghiệm.
(Ai không nhớ hoặc chưa hiểu vì sao phải sống chết tạo ra câu chuyện và sự kiện thì đọc lại phần 1 nhén, quan trọng lắm lắm)
Tạo ra sự kiện cho khách hàng trải nghiệm thế nào?
Nhiều anh chị em cứ nghĩ tổ chức sự kiện là khó, thật ra chả có gì là khó cả, nguồn lực có sẵn hết. Chẳng qua các anh chị em không sử dụng mà thôi.
Để có thể mô tả được sinh động nhất, tui sẽ tiếp tục sử dụng câu chuyện tui đã phân tích ở phần 1.
Chúng ta sẽ tạo ra sự kiện xoay quanh keywords “Cờ tướng”
(Vì sở thích của KH là cờ tướng, như tui đã chia sẻ trước)
Nhân sự
thì dùng chính nhân sự quán mình, có thêm bạn bè, anh em qua hỗ trợ. Mỗi người 1-2 ngày.
Đây cũng là dịp để chúng ta có lý do mời bạn bè qua quán và trải nghiệm.
Đừng quên rằng bạn bè cũng là một kênh để lan truyền nội dung rất tốt mà lại miễn phí.
“Mối quan hệ cũng là một loại tài sản”.
Tui nghĩ các anh chị em ai cũng hiểu điều này.
Thiết kế
thì thuê 1 em Freelancer hoặc tự làm. Dễ lắm, mình đâu phải thiết kế để cho nó đẹp lung linh đâu mà phải tốn kém.
Việc mình muốn là có backdrop, hình ảnh, standee,v.v… hoàn toàn có thể tự làm. Đủ truyền tải thông điệp là được, đẹp xấu tính sau.
Mà các bạn trẻ giờ giỏi lắm, chỉ cần hỏi thì thể nào cũng lòi ra có mấy bạn biết thiết kế ở trong quán của các anh chị em đó, hãy tận dụng họ.
MC
thì cũng không hẳn là MC. Đây đơn giản là người dẫn tạo trải nghiệm cho khách hàng thôi. Bạn ấy sẽ hướng dẫn cách chơi, thắng thì sao, thua thì sao.
Làm cho khách hàng cảm thấy gần gũi và vui vẻ. Cái này chỉ cần chọn ai hoạt ngôn, dễ thương lễ phép là được. Còn không thì mình tự ra làm. Quán của mình mà, mình chủ quán tương tác với khách hàng họ còn thích dữ thần nữa.
Các đồ vật, dụng cụ
thì cứ việc đi mua. Cái này đơn giản cực, không có gì khó cả. Lập một cái danh sách rồi cho đệ tử đi mua. Cái này dễ rồi, không phải nói thêm.
Như những chiến dịch tui từng làm, chưa có một chiến dịch nào phải thuê ngoài cả. Toàn bộ đều là nhân viên của quán làm hết, từ A tới Z luôn.
Nên chi phí thật sự không có tốn kém, mà cũng là cơ hội để các anh em trong quán có sự thay đổi công việc, vui hơn, đỡ nhàm chám hơn.
Xong chiến dịch lại ngồi ăn uống, chia sẻ, kể lại những câu chuyện lúc làm. Thật sự tuổi trẻ họ quý những cái đó các anh chị em ạ.
(Cũng nhờ những event thế này mà dù có tắt quảng cáo, doanh thu quán tui vẫn ở mức 30-40tr là bình thường đó cả nhà)
Sự kiện chúng ta sẽ làm thế này
Khách hàng đến quán sẽ nhận được một tờ “Khiêu Chiến Thư”, trong đó giới thiệu về chương trình, thể lệ và mời họ tham gia sự kiện.
Điều kiện để nhận “Vé tham gia sự kiện” này là đi nhóm trên 3 người, nếu muốn tham gia thì rủ bạn bè đến đây nhé.
Sẽ có Standee, backdrop giới thiệu về chương trình đặt tại quán luôn nhé. Mục tiêu là để khách chụp ảnh lúc tham gia và trao giải này.
Thể lệ sẽ là giải được 1 bàn cờ thế thì được Free 100% và nhận thưởng 1.000.000đ tiền mặt.
Người chơi sẽ mặc áo giáp tướng (dạng cosplay giống các game kiếm hiệp làm) đấu với tiên ông (quân ta cosplay). Lúc thi đấu sẽ được quay phim chụp hình lại.
Nếu không tham gia thi đấu, khách vẫn có thể mặc giáp chụp hình selfie checkin nhận quà từ quán.
Có thêm một số vũ khí, phụ kiện nữa. Làm sao cho họ rất rất muốn chụp hình chia sẻ là được.
Lúc giao đấu thì nhớ là Tiên Ông phải nhập vai, vuốt râu, phe phẩy quạt các kiểu.
Đi xong nước nào thì nhớ nói chuyện.
- “Mời tướng quân thượng tọa”
- “Xin được thỉnh giáo cao chiêu”
- “Nước đi rất hay”
…
Kiểu thế, nhập vai thì nhập sâu vào nó mới tạo trải nghiệm khách hàng mạnh mẽ được.
Xong thì nhớ chụp ảnh, quay hình lại để còn dùng cho những bước sau này.
Một số lưu ý khi chúng ta làm sự kiện tại quán:
- Sự kiện không cần kéo dài, chỉ khoảng 7 ngày là được. Nhưng cần sự tập trung, làm nó nổi bật hẳn lên để tạo được sự chú ý.
- Tạo thêm nhiều thứ thú vị và ấn tượng tại sự kiện để tăng trải nghiệm khách hàng, cho họ thích thú.
- Tí nữa có nhờ họ checkin hay chụp post FB cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Các đồ vật vẫn là xoay quanh keywords chính “Cờ Tướng” của mình nhé.
- Sự kiện nên có PG/PB. Nhất định phải là người đẹp. Những hình ảnh tại sự kiện phải chụp lại hết sau còn làm quảng cáo, quay phim lại hết sau còn có chất liệu để làm clip, nhạc chế các thứ.
- Trang phục thì mình thuê, cũng là đồ cosplay luôn nhé. Làm sao như đi vào 1 thế giới khác là ổn.
- Ở những lần đầu có thể tổ chức còn chưa quen tay, thuần thục. Chứ tầm vài lần là mọi người sẽ quen ngay, khi đó cả nhà sẽ thấy đó không phải là điều khó nữa.
- Đừng kỳ vọng Event phải ghê gớm, xuất sắc. Chúng ta chỉ cần làm hết sức mình, tạo ra một sân chơi, một trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng là được.
- Nhớ rằng chúng ta có làm Event là đã hơn rất nhiều đối thủ khác chỉ đang chạy quảng cáo thôi rồi. Nên cứ làm, mọi thứ sẽ tốt dần lên.
Tuy nhiên, sau khi đã tổ chức được Event. Chúng ta sẽ phải đối mặt với phần khó nhằn nhất.
Phần khó nhất, và cũng là quan trọng nhất trong tất cả các bước là phần tiếp theo nè.
Nó quyết định luôn sự hiệu quả của chiến dịch, thành bại là ở nó hết.
Lan tỏa câu chuyện.
Vậy làm sao để lan tỏa câu chuyện tốt nhất?
Câu trả lời là hãy tạo ra các điểm chạm trên nhiều nơi nhất có thể.
Các nhà quảng cáo sẽ luôn khuyên bạn hãy tăng ngân sách, nhưng vấn đề lớn là ở trên kênh ấy (tức là quảng cáo FB) đã có quá nhiều đối thủ đang cạnh tranh vị trí với nhau.
Tăng ngân sách là một cuộc đua tiền và rõ ràng đó không phải là điều chúng ta muốn hướng tới. Chúng ta có thể làm những kênh khác, mà vẫn hiệu quả rất nhiều.
Cần có hoạt động truyền thông cho sự kiện
Tờ rơi ở khu vực xung quanh bán kính 3km, trên bàn khách ăn, nhân viên giới thiệu mời khách hàng tham gia, chạy quảng cáo reach theo bán kính.
Đây là những hoạt động cực đơn giản chúng ta có thể triển khai luôn, chi phí hoàn toàn rất rẻ.
Xuất hiện dạng content Social seeding trong các group KH bạn lui tới xuất hiện
Hãy ở góc nhìn của khách hàng và viết bài chia sẻ. Thông điệp ko phải kêu gọi mọi người đến quán mà là ở đó có event rất vui và thú vị.
Ví dụ như chiến dịch này có thể xuất hiện trong hầu hết các group về ăn uống, cờ tướng, thể thao,v.v… Miễn là nội dung viết có liên quan đến nhóm đó.
Mời phóng viên đến và trải nghiệm.
Nếu không mời được thì tự chụp ảnh, tự viết bài rồi trả phí để lên. Chọn tờ báo nào KH bạn quen thuộc mà lên. Rồi xách về chạy Ads tiếp.
Nếu có điều kiện thì lên 2-3 bài về 2-3 chủ đề khai thác. Tối ưu điểm chạm càng nhiều càng tốt.
Ví dụ:
Quán cà phê thách thức khách hàng giải cờ thế và nhận 1.000.000đ
Chủ quán cà phê Cờ Thế đang hot: “Tôi muốn tạo ra sân chơi”
Ở bước này đừng chỉ nghĩ rằng tiền bạn bỏ ra làm cho event thì event phải thu lại chi phí luôn.
Nghĩ vậy là sai lầm.
Bởi vì những cái bạn xuất hiện lên báo sau này có thể dùng lại hoài hoài luôn. KH vẫn nhớ bạn đã từng làm các event như thế.
Chưa kể nếu thành công hoàn toàn có thể làm tiếp. 2-3 tuần làm 1 lần mà không cần chi tiền cho báo nữa, vì bạn đã lên rồi.
• Thường thì tác dụng của nó vẫn còn dù cho event đã kết thúc.
Kêu gọi sự chia sẻ từ khách hàng
Một bài post và chia sẻ, check-in của khách hàng có giá trị và niềm tin lớn hơn rất nhiều lần bài quảng cáo của bạn trên Facebook.
Bởi vì đó là thứ không thể mua được.
Đối thủ có thể chạy nhiều tiền hơn nhưng những chia sẻ, trải nghiệm của KH thì không thể mua được. Chính vì thế, nó rất đáng tin.
Và hơn nữa, đó là một điểm chạm khác trong hành trình khách hàng mà tui sẽ phân tích một xíu nữa.
Cho nên chúng ta có thể thấy, cần có các hoạt động khuyến khích khách hàng chia sẻ.
Ví dụ như:
- Bằng hình ảnh trao thưởng, check-in, trải nghiệm. Các hoạt động có được lúc họ hoặc bạn bè họ tham gia chương trình.
- Tặng quà: Món ăn, món uống nếu như khách hàng đăng tải theo hashtag.
- Chụp hình ảnh sự kiện đăng tải Fanpage để họ chia sẻ.
- Tặng Voucher cho lần tiếp theo để họ mời bạn bè đến cùng, cho họ thử sức.
Bức tranh tổng thể
Bây giờ tui sẽ ráp lại từng mảng miếng những gì chúng ta đã làm để tạo thành một bức tranh tổng thể cho các anh chị em cùng hiểu sâu hơn nhé.
Là một khách hàng tiềm năng, tui là người thường di chuyển qua khu vực cách quán bạn 3km. Có thể tui sống hoặc làm việc ở đó, hoặc là tiện đường đi làm.
Một ngày nọ khi đang lướt Facebook, tui thấy bạn bè mình post ảnh mặc áo giáp đánh cờ tướng khá hài. Tui thích thú vào thả “Haha” kèm 1 comment dí dỏm.
Sau đó, tui tiếp tục thấy báo đăng về Quán cà phê “Cờ Tướng” đánh giải cờ thế được thưởng tiền. Không phải 1 báo mà nhiều báo.
(Khi này tui đâu có biết là bao nhiêu báo đăng, tui thấy 2-3 báo đăng là tui nghĩ chắc nó đang hót rồi)
“À, hóa ra hôm trước thằng bạn mình tham gia cái này”
Tui cũng thấy hay hay định thử nhưng còn chần chừ, để suy nghĩ và rủ bạn xem có đứa nào đi không đã. Tui lấy link và gửi lũ bạn, thử coi địa chỉ chỗ nào. Xem thử Fanpage nó ra sao.
Tui bắt đầu mò vào Fanpage và xem thấy nhiều hình ảnh về cuộc thi. Cũng muốn thử đó.
Rồi tui quên bẵng đi, tui xao nhãng qua việc khác. Trong group tui lại thấy có người post bài về cái chương trình này.
“Chà, có vẻ rất vui. Mình phải đến thử mới được”
Chiều về hôm đó, tui dừng đèn đỏ và được phát tờ rơi về chương trình.
“A, đúng rồi. Quán nó cũng gần đây mà nhỉ. Cũng được, có thể thử”
Khi này tui đã muốn đến rồi, ngày ngày tui sẽ thấy đi thấy lại cái link báo nói về sự kiện đó và cái quán kì quái đó. Hẹn hò thì đã hẹn hò rồi, sự tò mò trong lòng tui cứ tăng lên.
Ok. Thế là tui quyết định đến đó cùng mấy đứa bạn coi thử xem sao.
Đến nơi thì rất thú vị, có mấy em gái xinh xắn chụp hình check-in cùng. Mặc áo giáp đánh cờ rất hài hước, có cả ông Tiên nhập vai như đúng rồi. Cảm giác như đang xem phim chứ không phải đi uống cà phê. Hài ghê.
Tui quyết định lấy điện thoại đăng Facebook, dù gì cũng được tặng thêm nước nếu đăng tải mà. Hình có sẵn rồi, rất là độc lạ và cool ngầu.
Post lên thì đến like mệt xỉu.
Nghĩ vậy tui đăng lên FB và bạn bè bắt đầu vào thả haha.
Và một hành trình mới lại xuất hiện, cho những người bạn của tui tiếp tục…
Như vậy, Các anh chị em có thể thấy, việc chúng ta làm là xây dựng ra một hành trình trải nghiệm xuyên suốt, xoay quanh nhất quán 1 keywords duy nhất là “Cờ tướng”.
Trước khi đến quán, chúng ta đã có đến 5 điểm chạm với khách hàng, chưa kể trả lời Fanpage, trả lời comment. Và không cần đủ tất cả các điểm chạm, khách hàng đã chú ý về phía chúng ta.
Kịch bản tốt nhất là tiếp xúc được toàn bộ điểm chạm, nhưng thực tế hãy xây dựng một kế hoạch mà chỉ cần 2-3 lần thôi, họ đã rất tò mò và muốn tới rồi.
Thế thì chúng ta sẽ thành công.
Cùng là quảng cáo nhưng chúng ta tiếp xúc khách hàng rất khác biệt, ở nhiều thời điểm, nhiều nội dung nhưng vẫn xoay quanh keywords chính của chúng ta.
Nếu chúng ta có một sản phẩm đủ tốt, có sự khác biệt (USP). Hãy xây dựng câu chuyện dựa trên ý tưởng của sự khác biệt độc nhất ấy, như vậy thì hiệu quả sẽ tăng lên gấp bội lần và chúng ta cũng chiếm lĩnh được những keywords rất đắt giá trong đầu khách hàng.
Ví dụ:
- Cuộc thi đua cua Tour de Cua, cho nhà hàng hải sản bán cua sống.
- Uống bia đập bát cho nhà hàng HSTL phong cách kiếm hiệp.
- Thách thức thi ăn cho nhà hàng Buffet, ăn thỏa thích
- Nhắm mắt phân biệt cà phê cho quán nào tập trung vào hương vị cà phê.
Rất nhiều ý tưởng có thể triển khai phụ thuộc vào sự khác biệt sản phẩm của bạn là gì. Đó là sự khác biệt từ lõi sản phẩm, hay đó là sự khác biệt về dịch vụ, về giá, về vị trí…?
Kết hợp yếu tố khác biệt của sản phẩm cùng với sự thấu hiểu khách hàng, chúng ta có thể sáng tạo ra những chiến dịch cực thành công mà vẫn lồng ghép được sản phẩm của mình vào.
Nhưng hãy nhớ và nhớ nằm lòng điều này.
Sản phẩm của chúng ta bắt buộc phải tốt trước khi làm truyền thông nhé.
Không nhất thiết phải là xuất sắc nhưng phải đảm bảo rằng khách hàng cảm thấy hài lòng với nó. Chứ nếu như mà khách hàng trải nghiệm xong quay lại chê bai thì đó thực sự là một thảm họa.
Truyền thông có thể giúp bạn nhanh hơn, nhưng không giúp bạn thành công.
Nếu sản phẩm bạn tốt, món ăn ngon thì bạn mau chóng bùng nổ doanh số. Còn nếu sản phẩm bạn tệ, doanh số cũng sẽ bùng nổ đấy nhưng rồi sau đó bạn sẽ bại luôn, rất khó để vực dậy.
Lên rất nhanh và xuống cũng rất nhanh.
Do đó, hãy tập trung sản phẩm cốt lõi, sau đến truyền thông. Khi bạn đã sẵn sàng, thành công sẽ đến.
Hãy cho tui biết bạn nghĩ gì?
Vậy còn bạn thì sao? Mô hình và sản phẩm bạn đang kinh doanh có gì khác biệt để tạo nên những chiến dịch đột phá? Hãy cho tui biết và chúng ta cùng thảo luận nhé.
Đừng nghĩ rằng quán nhỏ, không đủ nguồn lực thì không làm được. Luôn có cách nhé, hãy nói tui nghe về câu chuyện của quán bạn, tui sẽ cho bạn giải pháp.
Nếu cảm thấy bài viết này hay, đừng quên thả tym và để lại bình luận động viên tui để tui chia sẻ nhiều hơn nữa nhé. Tui mất nhiều thời gian để viết nó lắm đấy huhu.
—–
Người thật việc thật.
Thông Phan
Nguồn: CMOVietnam